04/12/2011

Mt 18,12-14: “99 con chiên không đi lạc” và “1 con chiên bị lạc đường”, chọn bên nào đây?



Nội dung

Bản văn Mt 18,12-14
Dẫn nhập
1. Bối cảnh đoạn văn Mt 18,12-14
2. Mt 18,12-14 nối kết với 18,10-11
3. Trách nhiệm của mục tử (Mt 18,12-13)
Kết luận




Bản văn Mt 18,12-14
(Các trích dẫn Kinh Thánh dưới đây lấy theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch / Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Mt 18,12-14: “12Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? 13Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”


Dẫn nhập

Đoạn Tin Mừng Mt 18,12-14 thuật lại dụ ngôn 100 con chiên, trong đó 99 con chiên không đi lạc và 1 con chiên bị lạc đường. Mục tử lựa chọn để lại 99 con trên núi để đi tìm con chiên lạc. Lựa chọn với tỷ lệ 1/100 này có hợp lý không? Cách ứng xử của mục tử trong dụ ngôn có được thực thi trong lịch sử Ít-ra-en không? Câu kết của dụ ngôn ở 18,14 nói đến “những kẻ bé mọn” và “hư mất”, những đề tài này là mới hay đã xuất hiện trong đoạn văn trước? Có thể dụ ngôn ngắn gọn này vẫn luôn luôn là một thách đố dành cho các mục tử và dành cho tất cả các thành viên trong cộng đoàn người tin, về thái độ và cách ứng xử đối với “những kẻ lầm đường lạc lối”, “những kẻ bé mọn”. Giữa “99 con chiên không đi lạc” và “1 con chiên bị lạc đường”, độc giả chọn bên nào?

Để tìm hiểu ý nghĩa giáo huấn của Đức Giê-su ở Mt 18,12-14, phần sau sẽ phân tích các mục: (1) Bối cảnh đoạn văn Mt 18,12-14; (2) Mt 18,12-14 nối kết với 18,10-11; (3) Trách nhiệm của mục tử (Mt 18,12-13).

1. Bối cảnh đoạn văn Mt 18,12-14

Đoạn Tin Mừng ngắn Mt 18,12-14 là một phần giáo huấn của Đức Giê-su trong chương 18 của Tin Mừng Mát-thêu. Chương này thu thập những lời giảng của Đức Giê-su liên quan đến đời sống cộng đoàn các môn đệ. Cụ thể là trả lời câu hỏi: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời” (18,1-4). Đức Giê-su dặn dò các môn đệ: “Đừng làm cho người ta sa ngã” (18,5-9), “Đừng khinh thường những kẻ bé mọn” (18,10-11). Tiếp đến là dụ ngôn “Một con chiên bị lạc trên núi” (18,12-14), sau đó là giáo huấn về sửa lỗi anh em (18,15-18).v.v… Như thế, bối cảnh đoạn văn Mt 18,12-14 là những giáo huấn của Đức Giê-su về đời sống và cách xử sự trong cộng đoàn Hội Thánh, cụ thể là cộng đoàn Mát-thêu. Đề tài chính trong Mt 18,12-14 là vai trò của mục tử đối với đàn chiên.

2. Mt 18,12-14 nối kết với 18,10-11

Nếu chỉ đọc đoạn văn Mt 18,12-14, độc giả có thể đặt ra nhiều câu hỏi: Đại từ “anh em” (ngôi thứ hai số nhiều) trong câu “Anh em nghĩ sao?” là ai, là các môn đệ hay dân chúng? Trong phần kết dụ ngôn ở 18,14: “Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”, xuất hiện các ý tưởng song song: “con chiên bị đi lạc” trong dụ ngôn ám chỉ “một trong những kẻ bé mọn này”. Ý tưởng “đi lạc” song song với “hư mất”. “Những kẻ bé mọn này” là ai? Tại sao lại ví “đi lạc đường” với “hư mất”?

“Dụ ngôn con chiên lạc” (18,12-13) khởi đầu cách đột ngột: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên….” (18,12). Một số câu hỏi trên sẽ được giải đáp nhờ các trình thuật trước đó (18,1-11). Mở đầu Mt 18, người thuật chuyện cho biết ai đang nói và nói với ai, người thuật chuyện kể: “Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Lời mở đầu này xác định toàn bộ Mt 18 là giáo huấn của Đức Giê-su dành cho các môn đệ của Người. Đại từ “anh em” trong Mt 18, được hiểu trước hết là “các môn đệ”, đồng thời ám chỉ cộng đoàn Mát-thêu nói riêng và cộng đoàn Hội Thánh nói chung.

Đặc biệt Mt 18,12-14 nối kết chặt chẽ với 18,10-11. Ở Mt 18,10-11, Đức Giê-su dặn dò các môn đệ: “Đừng khinh thường những kẻ bé mọn” (18,10) và nói đến sự “hư mất” (18,11), như thế cần đọc chung Mt 18,12-14 với 18,10-11 sẽ dễ hiểu ý của bản văn hơn.
Mt 18,10-11: “10Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. [11Vì Con Người đến để cứu cái gì đã hư mất].”  (Câu 11 để trong ngoặc vuông [ ] vì không có trong các thủ bản cổ).

Sự liên kết từ ngữ và ý tưởng giữa Mát-thêu 18,10-11 và 10,12-14 được thể hiện qua cấu trúc sau đây:



Cấu trúc song song trên cho thấy “dụ ngôn con chiên lạc”  đặt ở trọng tâm (C), nhằm minh họa cho chủ đề chung của đoạn văn: Giáo huấn của Đức Giê-su về cách cư xử trong cộng đoàn đối với “những kẻ bé mọn” (A // A’). Đồng thời Đức Giê-su mặc khải về sứ vụ của Người: “Cứu cái gì đã hư mất” (B. 18,11) và mặc khải về ý định của Chúa Cha: “Không muốn một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (B’. 18,14b). Động từ “apollumi” (hư mất), xuất hiện ở 18,11 và 18,14b, nên B // B’.

Bối cảnh văn chương và cấu trúc bản văn cho phép hiểu: Hình ảnh “con chiên bị lạc đường” trong dụ ngôn (18,12-13) là “những kẻ bé mọn trong cộng đoàn” và sự kiện “bị lạc đường” được so sánh với tình trạng “hư mất” cần được “cứu”. Hình ảnh con chiên bị lạc đường ám chỉ những người lầm lạc trong cộng đoàn và sự lầm lạc ở đây có thể hiểu theo cả hai nghĩa: (1) Lạc đường vì nghe theo đạo lý không chính thống (sai lạc đạo lý) và (2) Lạc đường vì đời sống luân lý không phù hợp với giáo huấn của Đức Giê-su (sai lạc luân lý).

3. Trách nhiệm của mục tử (Mt 18,12-13)

Điều đáng chú ý là “dụ ngôn con chiên bị lạc”  không quy trách nhiệm cho con chiên. Trong thực tế, 100 con chiên thả trên núi và một con chiên bị lạc đường thì không có gì lạ. Động từ “planaô” (đi lạc, lạc đường) ở Mt 18,12 chia ở dạng thụ động (voix passive): “planêthê” (bị đi lạc, bị lạc đường). Không phải là con chiên cố tình đi lạc mà là “bị lạc đường”. Câu văn ở dạng thụ động nên độc giả không biết nguyên nhân nào làm cho con chiên đi lạc. Như thế, bản văn không quy trách nhiệm cho con chiên về sự kiện “lạc lối”, theo cả hai nghĩa “lạc về đạo lý” và “lạc về luân lý”. Giáo huấn của trình thuật tập trung vào cách ứng xử của “mục tử”, chứ không bàn đến nguyên nhân của việc đi lạc.

Vấn đề đặt ra trong dụ ngôn là mục tử đối xử thế nào với con chiên bị lạc đường. Giữa 99 con chiên không bị lạc và 1 con chiên bị lạc lối, mục tử chọn đứng về phía nào? Liệu trong cộng đoàn, mục tử có ưu tư và lo lắng cho con chiên bị lạc đường không? Mục tử có đi tìm và đưa chiên lạc lối trở về hay không? Trong dụ ngôn (18,12-13), xem ra đương nhiên là mục tử sẽ để lại 99 con chiên và đi tìm con chiên lạc, nhưng thực tế lịch sử Ít-ra-en cho thấy vấn đề không đơn giản như thế. Dụ ngôn Đức Giê-su kể ở Mt 18,12-14 gợi lại cho độc giả những gì ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã viết về cách ứng xử của các mục tử:

Ed 34,1-6: “1Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng: 2Hỡi con người, hãy tuyên sấm hạch tội các mục tử chăn dắt Ít-ra-en, hãy tuyên sấm. Hãy nói với chúng, với các mục tử đó: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? 3Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi làm thịt; nhưng các ngươi lại không lo chăn dắt đàn chiên. 4Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. 5Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. 6Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm.”

Tương phản với các mục tử không chu toàn trách nhiệm của mình như trên, ngôn sứ Ê-dê-ki-en cho biết ĐỨC CHÚA chăn dắt đàn chiên của Người như thế nào:
Ed 36,13b-16: “13bTa sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ít-ra-en, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được. 14Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. 15Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. 16Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.”

Thay vì đi tìm con chiên lạc như ở Mt 18,12-14, mục tử có thể lý luận rằng: Tại sao lại có thể bỏ lại 99 con chiên không có người chăm sóc để đi tìm một con chiên bị lạc? 99 con không hơn 1 con hay sao? Ai sẽ lo cho 99 con chiên kia, trong khi không chắc sẽ tìm được con chiên lạc?.v.v... Bằng nhiều chi tiết tương phản mạnh mẽ, dụ ngôn cho biết mục tử đích thực phải làm gì. Trước hết là tương phản giữa 99 con chiên không đi lạc so với 1 con chiên bị lạc đường (tỷ lệ 1/100). Kế đến là nhấn mạnh ý tưởng không chắc sẽ tìm được con chiên lạc khi dùng kiểu nói: “Nếu may mà tìm được...” (18,13a), nghĩa là không chắc tìm được nhưng vẫn để 99 con chiên lại trên núi để đi tìm con chiên bị lạc. Cuối cùng là đề cao niềm vui khi tìm được con chiên lạc, bằng cách so sánh với 99 con chiên không bị lạc: “Người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc” (18,13b). Rõ ràng dụ ngôn ám chỉ sứ vụ của Đức Giê-su, Người là mục tử đích thực, Người đến trần gian “để cứu cái gì đã hư mất”  (18,11). Người lo lắng cho đàn chiên như ĐỨC CHÚA chăn dắt đàn chiên của Người (Ed 36,13b-16).

Qua dụ ngôn, Đức Giê-su đề cao một trong những nhiệm vụ của mục tử đích thực là “tìm kiếm những con chiên lạc đường”. Đó là sứ vụ của Đức Giê-su (18,11) và Người mời gọi tất cả các mục tử trong cộng đoàn Hội Thánh thi hành sứ vụ này. Dẫn đưa những kẻ lầm đường lạc lối trở về là điều Cha trên trời mong đợi, vì Người không muốn bất cứ kẻ bé mọn nào trong cộng đoàn bị hư mất. Cách cư xử đúng đắn của người mục tử là dành sự ưu ái và tình thương cho những thành viên trong cộng đoàn bị lạc đường. Tuy vậy, dường như trong cộng đoàn Mát-thêu nói riêng và trong cộng đoàn người tin qua mọi thời đại nói chung, “những kẻ bé mọn”, “những kẻ lầm đường lạc lối” vẫn chưa được các mục tử đối xử đúng mức. Giáo huấn của Đức Giê-su vẫn cần được học hỏi và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của từng cộng đoàn.

Kết luận

Giáo huấn của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng Mt 18,12-14 mãi mãi là một thách đố cho các mục tử trong cộng đoàn người tin. Dựa trên giáo huấn của Đức Giê-su: “Chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn” (18,10) và ý của Cha trên trời là “Không muốn một ai trong những kẻ bé mọn phải hư mất” (18,14), người mục tử được Đức Giê-su mời gọi bày tỏ lòng ưu ái và cảm thông đối với những con chiên lạc trong cộng đoàn. Dù con chiên đó cố tình hay vô ý đi lạc, dù con chiên đó lạc đường về đạo lý hay lạc đường về luân lý, người mục tử vẫn được mời gọi lên đường tìm kiếm con chiên lạc. Cho dù tỷ lệ là 1/100, người mục tử trong dụ ngôn vẫn đứng về phía 1 con chiên bị lạc lối. Tình thương và trách nhiệm của mục tử dành cho con chiên bị lạc đường trong dụ ngôn được diễn tả mạnh mẽ qua tỷ lệ 1/100, nghĩa là nếu có 10 con chiên lạc lối trong cộng đoàn, thì tỉ lệ đó là 10/1000. Người mục tử sẽ để 990 con chiên không đi lạc để đi tìm 10 con chiên đi lạc...
Hình ảnh mục tử trong Mt 18,12-14 có thể được mở rộng đến mọi thành phần trong cộng đoàn dân Chúa. Đức Giê-su là mục tử duy nhất của đàn chiên. (Xem bài viết: “Ai là mục tử? Đàn chiên thuộc về ai?”, http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2010/11/chia-se-tm-ga-1011-18-muc-tu-la-ai.html). Chính Đức Giê-su đã trao quyền chăn dắt đàn chiên của Người cho các môn đệ: Đầu tiên là Nhóm Mười Hai, rồi đến các đấng kế vị Thánh Phê-rô. Các Giám mục, các linh mục, là những vị có nhiệm vụ trực tiếp chăn dắt đàn chiên được giao phó. Đồng thời vai trò mục tử có thể được mở rộng đến những người có trách nhiệm trong cộng đoàn; các bậc phụ huynh trong vai trò giáo dục con cái; các thầy cô, các giáo lý viên trong vai trò giáo dục đức tin. Ngay cả các anh chị lớn đối với các em nhỏ. Nói cách khác, tất cả mọi người tin trong cộng đoàn được Đức Giê-su mời gọi dành sự ưu ái và tình thương cho “những kẻ bé mọn”, “những kẻ lầm đường lạc lối”.
Thực tế cho thấy, tình thương là sức mạnh lớn lao có khả năng cảm hoá và làm biến đổi con người, giúp con người sống tốt hơn, sống mạnh mẽ hơn và sống có lý tưởng hơn. Dẫn một con chiên lạc đường trở về, thực sự là một niềm vui lớn lao, và điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ những hành động thiết thực và nhờ tình thương. Hai yếu tố nền tảng: “Giáo huấn của Đức Giê-su” và “lòng mến” sẽ hướng dẫn mục tử và những người có trách nhiệm biết ứng xử thích hợp trong hoàn cảnh cụ thể. Bằng cách tìm hiểu và suy niệm Tin Mừng Mt 18,10-14, các mục tử nói riêng và từng thành viên trong cộng đoàn nói chung, sẽ biết cần làm gì trước hiện trạng “99 con chiên không bị lạc đường” và “1 con chiên đi lạc”. Thực tế này vẫn còn đó trong cộng đoàn người tin qua mọi thời đại./.

Ngày 04 tháng 12 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P. 
email: josleminhthong@gmail.com