29/03/2020

Đề tài tình yêu và tình bạn (TM Gio-an)



Bài viết tiếng Pháp:

Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 29 tháng 03 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Từ ngữ
    1. Danh từ “agapê” (tình yêu), 7 lần
    2. Động từ “agapaô” (yêu mến), 37 lần
    3. Danh từ “philos” (bạn hữu), 6 lần
    4. Động từ “phileô” (thương mến), 13 lần
II. Động từ “agapaô” và “phileô
    1. Giống nhau giữa “agapaô” và “phileô
    2. Giải thích của các tác giả
    3. Sắc thái nghĩa khác nhau bổ túc cho nhau
III. Tình yêu nẩy sinh sự sống
    1. Thiên Chúa yêu mến thế gian nhân loại (1 lần: 3,16)
    2. Chúa Cha yêu mến Đức Giê-su (8 lần)
    3. Đức Giê-su yêu mến Chúa Cha (2 lần: 14,31; 15,10b)
    4. Đức Giê-su yêu mến các môn đệ (10 lần)
    5. Chúa Cha yêu mến các môn đệ (4 lần) 
    6. Các môn đệ yêu mến Đức Giê-su (8 lần)
    7. Phê-rô thương mến Đức Giê-su (7 lần)
    8. Đức Giê-su yêu mến Mác-ta, Ma-ri-a, La-da-rô (4 lần)
    9. Môn đệ Đức Giê-su yêu mến (5 lần)
    10. Các môn đệ yêu mến nhau (5 lần)
IV. Tình yêu dẫn đến sự hư mất
    1. Yêu mến bóng tối (1 lần: 3,19)
    2. Yêu mến vinh quang con người (1 lần: 12,43)
    3. Yêu mạng sống mình (1 lần: 12,25)
    4. Thế gian yêu thích cái gì của riêng nó (1 lần: 15,19)
V. Không yêu mến, không có tình yêu
    1. Không yêu mến Đức Giê-su (2 lần: 8,42; 14,24)
    2. Không có tình yêu của Thiên Chúa (1 lần: 5,42)
VI. Bạn hữu
    1. Bạn hữu của Đức Giê-su (4 lần)
    2. Gio-an Tẩy Giả là bạn của chú rể (1 lần: 3,29)
    3. Bạn của Xê-da (1 lần: 19,12)
Kết luận
    Bảng tóm kết



Dẫn nhập

Tin mừng Gio-an dùng cả danh từ và động từ để diễn tả đề tài “tình yêu” (danh từ: agapê, động từ: agapaô) và “tình bạn” (danh từ: philos, động từ: phileô). Bài viết trình bày chi tiết về cách dùng và ý nghĩa đề tài này qua sáu mục: (I) từ ngữ; (II) động từ “agapaô” và “phileô”; (III) tình yêu nẩy sinh sự sống; (IV) tình yêu dẫn đến sự hư mất; (V) không yêu mến, không có tình yêu; (VI) bạn hữu.

I. Từ ngữ

Tin Mừng dùng bốn từ để trình bày đề tài tình yêu và tình bạn: (1) Danh từ “agapê” (tình yêu); (2) Động từ “agapaô” (yêu mến); (3) Danh từ “philos” (bạn hữu); (4) Động từ “phileô” (thương mến).

    1. Danh từ “agapê” (tình yêu), 7 lần

Danh từ agapê” xuất hiện 7 lần. Trong đó 1 lần  (5,42) trong phần đầu Tin Mừng (Ga 1–12); 6 lần trong ch. 13–17 (13,35; 15,9.10a.10b.13; 17,26). Đoạn văn 15,9-13 có 4 lần từ này, trong đó, 3 lần trong kiểu nói “ở lại trong tình yêu” (15,9.10a.10b). Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 15,13: “Không ai có tình yêu (agapên) cao cả hơn người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu của mình.” (Xem Bản văn Gio-an, Tin Mừng và ba thư). Lời này định nghĩa tình yêu (agapê) của Đức Giê-su dành cho các môn đệ. Từ “agapê” xuất hiện lần cuối ở 17,26 và không có trong ch. 18–21.

    2. Động từ “agapaô” (yêu mến), 37 lần

Động từ “agapaô” xuất hiện 37 lần, phân bổ như sau:  ch. 1–12 (7 lần) với nghĩa tích cực, 5 lần: 3,16.35; 8,42; 10,17; 11,5; nghĩa tiêu cực, 2 lần: 3,19; 12,43; ch. 13–17 (25 lần), trong đó ch. 13 (6 lần) 13,1a.1b; 13,23; 13,34a.34b.34c; ch. 14 (10 lần) trong đoạn văn 14,15-31:                 14,15.21a.21b.21c.21d.23a.23b.24.28.31; ch. 15 (5 lần) trong đoạn văn 15,9-17: 15,9a.9b.12a.12b.17; ch. 16 (không có); ch. 17 (4 lần) trong đoạn văn 17,23-26: 17,23a.23b.24.26; ch. 18–21 (5 lần), 3 lần nói về môn đệ Đức Giê-su yêu mến (19,26; 21,7.20); 2 lần Đức Giê-su hỏi Phê-rô: “Anh có yêu mến Thầy không?” (21,15.16).

Tóm lại, danh từ agapê” và động từ agapaô” xuất hiện chủ yếu trong Ga 13–17 và tập trung vào 4 đoạn văn: (1) 13,34-35: 3 lần agapaô”, 1 lần agapê; (2) 14,15-31: 10 lần agapaô; (3)15,9-17: 5 lần agapaô”, 4 lần agapê; (4) 17,23-26: 4 lần agapaô”, 1 lần agapê”.

    3. Danh từ “philos” (bạn hữu), 6 lần

Danh từ “philosxuất hiện 6 lần: ở 3,29 (Gio-an Tẩy Giả là bạn của chú rể); 11,11 (La-da-rô bạn của Đức Giê-su và các môn đệ); 15,13.14.15 (các môn đệ là bạn hữu của Đức Giê-su);  19,12 (bạn của Xê-da).

    4. Động từ “phileô” (thương mến), 13 lần

Động từ “phileô” xuất hiện 13 lần. Trong đó, 11 lần có nghĩa tích cực: 5,20; 11,3.36; 16,27a.27b; 20,2; 21,15.16.17a.17b.17c (5 lần trong đoạn văn 21,15-17); 2 lần có nghĩa tiêu cực: 12,25 (yêu mạng sống mình) và 15,19 (thế gian yêu thích cái thuộc về nó). Cùng gốc với danh từ “philos” (bạn hữu), động từ phileôcó nghĩa: “thương”, “thương mến” trong tình bằng hữu (aimer d’amitié). Tùy theo văn mạch và âm điệu câu văn, động từ phileôcó thể dịch sang tiếng Việt: “thương mến” (11,3), “thương” (11,36), “yêu” (12,25) hay “yêu thích” (15,19).

Tóm lại, danh từ agapê” (7 lần) và “philos” (6 lần); động từ agapaô” (37 lần) và “phileô” (13 lần) là những từ khoá xây dựng đề tài tình yêu và tình bạn trong Tin Mừng.

II. Động từ “agapaô” và “phileô

Cách dùng và ý nghĩa hai động từ “agapaô” và “phileô” trong Tin Mừng được phân tích qua ba điểm: (1) giống nhau giữa “agapaô” và “phileô”; (2) giải thích của các tác giả; (3) sắc thái nghĩa khác nhau bổ túc cho nhau.  

    1. Giống nhau giữa “agapaô” và “phileô

Trong Tin Mừng dường như hai động từ “agapaô” và “phileô” đồng nghĩa với ba nhận định sau:

(1) Tình yêu Chúa Cha dành cho Đức Giê-su diễn tả bằng động từ “phileô” khi Người nói với những người Do Thái ở 5,20a: “Cha thương mến (philei) Con và tỏ bày cho Người mọi điều mình làm.” Trong ch. 10, Đức Giê-su dùng động từ “agapaô khi nói với những người Pha-ri-sêu ở 10,17: “Vì điều này mà Cha yêu mến (agapâi) Tôi: Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại nó.” Chỉ 1 lần trong Tin Mừng, Đức Giê-su dùng động từ phileô để nói về tình yêu Chúa Cha dành cho Người ở 5,20, còn những nơi khác dùng động từ “agapaô. Ở 16,27, tình yêu các môn đệ dành cho Đức Giê-su được diễn tả bằng động từ “phileô”, trong khi ở 14,15.21.23.28 dùng động từ “agapaô. Tình yêu Chúa Cha dành cho các môn đệ được diễn tả bằng động từ “phileô ở 16,27 và động từ “agapaô ở 14,21.

(2) Trong đối thoại giữa Đức Giê-su và Si-môn Phê-rô ở 21,15-17, dường như không có sự khác biệt giữa hai động từ “phileô và “agapaô. Người thuật chuyện kể ở 21,17b: “Phê-rô buồn vì Người nói với ông ấy ba lần: ‘Anh có thương mến (phileis) Thầy không?’” Câu này dùng động từ “phileô, trong khi hai lần trước đó, Đức Giê-su dùng động từ “agapaô. Đức Giê-su chỉ dùng động từ “phileô trong lần hỏi thứ ba ở 21,17a: “Si-môn, con Gio-an, anh có thương mến (phileis) Thầy không?” Vậy xem ra hai động từ “phileô và “agapaôtrong ba câu hỏi của Đức Giê-su ở 21,15.16.17 đồng nghĩa.

(3) Trong tên gọi “môn đệ Đức Giê-su yêu mến”, tác giả dùng cả hai động từ: “agapaô” 4 lần (13,23; 19,26; 21,7.20); “phileô” 1 lần (20,2).

Ba điểm trên cho thấy động từ “phileô cũng quan trọng như “agapaô, cho dù “phileô ít dùng hơn (13 lần) so với “agapaô (37 lần).

    2. Giải thích của các tác giả

Từ những điểm giống nhau như trên, câu hỏi đặt ra là có thể xem hai động từ này đồng nghĩa (synonymes) với nhau và có thể thay đổi cho nhau (interchangeables) được không? Có sắc thái nghĩa khác nhau giữa hai động từ này không?

Một số tác giả cho rằng có sự phân biệt giữa hai động từ “agapaô” (yêu mến) và “phileô” (thương mến). (Xem các tác giả phân biệt và không phân biệt nghĩa của hai động từ trên ở N. Lazure, Les valeurs morales de la théologie johannique, (Évangile et Épîtres), (EtB), Paris, Librairie Lecoffre - Gabalda, 1965, n. 11-12, p. 215). Tác giả C. Spicq viết: “Trong khi agapan (yêu mến) được dùng để diễn tả tình yêu theo chiều đi xuống: từ Thiên Chúa đến Đức Ki-tô và con người, hay theo chiều đi lên: Từ Đức Ki-tô và con người đến Thiên Chúa, thì philein (thương mến) đặt người yêu và người được yêu trên bình diện ngang hàng, xoá bỏ sự cách biệt.” (C. Spicq, Agapè dans le Nouveau Testament, analyse des textes III, Paris, Gabalda, 1959, p. 220). Cách hiểu này không phù hợp với động từ “phileô” trong Tin Mừng Gio-an. Bởi vì tình bằng hữu, diễn tả bằng động từ “phileô” mà Chúa Cha dành cho Đức Giê-su (5,20) và cho các môn đệ (16,27) không “đặt người yêu và người được yêu trên bình diện ngang hàng, xoá bỏ sự cách biệt” như C. Spicq đã viết.

Một số tác giả khác cho rằng: Trong Tin Mừng Gio-an, hai động từ “agapaô” và “phileô” đồng nghĩa và có thể thay đổi cho nhau. Đây là lập trường của các tác giả J. H. Bernard; R. Bultmann; C. K. Barrett. (Xem R. E. Brown, The Gospel according to John, vol. I, 1966, p. 498). Theo C. S. Kenner: “Về nghĩa của từ, hai động từ này có thể thay thế cho nhau được.” (C. S. Keener, The Gospel of John, Peabody (MA), Hendrickson Publishers, 2003, n. 159, p. 1004).  Đối với N. Lazure: “Đó là lối hành văn nhằm mục đích tránh sự lặp lại của một từ. Vì hai động từ này (agapaôphileô) có cùng một nghĩa.” (N. Lazure, Les valeurs morales de la théologie johannique, 1965, p. 215). G. Stählin nhận định: “Chỉ Tin Mừng Gio-an dùng đến 13 lần động từ phileô, trên tổng số 25 lần động từ này xuất hiện trong Tân Ước, cho thấy rõ ràng nghĩa thần học của động từ phileô, cùng với động từ agapaô gần như đồng nghĩa với nó.” (G. Stählin, art. “phileô, philos”, in TDNT, vol. IX, 1974, p. 128).

    3. Sắc thái nghĩa khác nhau bổ túc cho nhau

Theo chúng tôi, những giải thích trên của các tác giả chưa nêu lên được tầm quan trọng của đề tài “bạn hữu” (philos) ở 15,13-15 cũng như khẳng định thần học mà động từ “phileô” nhắm tới. Không phải tình cờ hay để tránh lặp đi lặp lại mà động từ “phileô” dùng song song với động từ “agapaô”. Ngược lại, danh từ “philos” và động từ “phileô” góp phần xây dựng thần học Tin Mừng về đề tài “tình yêu” (agapaô, agapê). Bốn ghi nhận sau cho phép hiểu theo hướng này:

(1) Tương quan tình yêu diễn tả bằng các từ “phileô” (thương mến), philos” (bạn hữu) cũng quan trọng như tình yêu diễn tả bằng các từ “agapaô (yêu mến), “agapê (tình yêu). Nghĩa là các từ “phileô” và “philos”, bổ túc, làm rõ và định hướng nghĩa thần học của “agapaô” và “agapê”.

(2) Cách dùng song song hai động từ “phileô và “agapaô” cho phép hiểu đề tài “tình yêu” (agapaô, agapê) theo hướng “tình bằng hữu” (phileô, philos), hơn là những hình ảnh khác về tình yêu như “tình yêu hôn nhân” hay “tình yêu gia đình”. Thật vậy,  trong “tình yêu hôn nhân”, vợ chồng liên kết với nhau và ràng buộc với nhau bởi lời hứa yêu thương nhau và sống chung. Trong “tình yêu gia đình”, con cái không thể tự dứt bỏ tư cách làm con. Cha mẹ không thể chối bỏ tư cách làm cha làm mẹ khi có con cái. Cũng thế, liên hệ anh chị em ruột trong gia đình cũng không thể chối từ liên hệ máu mủ. Trong khi đó, tình yêu” theo hướng “tình bạn” đề cao tự do của con người trong quyết định theo hay không theo Đức Giê-su. Làm môn đệ Đức Giê-su hay không là lựa chọn hằng ngày, vì bất cứ lúc nào người môn đệ cũng có thể quyết định “thôi không làm môn đệ nữa” như ở Ga 6,66. Nhóm Mười Hai quyết định ở lại (6,67-68) với Đức Giê-su cũng là quyết định hoàn toàn tự do. Bởi vì làm môn đệ Đức Giê-su, tự bản chất là lựa chọn dấn thân trong sự tự do. Đức Giê-su không ép buộc ai đi theo Người và Người cũng không thể ép buộc các môn đệ ở lại với Người. Tuy vậy, Đức Giê-su không ngừng mời gọi mọi người tin vào Người và giữ vững niềm tin để có và sống sự sống đời đời.

(3) Hiểu “tình yêu” theo hướng “tình bạn” phù hợp với tước hiệu “bạn hữu của Thiên Chúa” trong truyền thống Cựu Ước (Is 41,8; 2Sb 20,7; Xh 33,11; Gc 2,23). Trong Tin Mừng Gio-an, tình bạn (15,14-15) liên kết chặt chẽ với tình yêu (15,9-13). Điều kiện để trở thành bạn hữu của Đức Giê-su là “làm những điều Đức Giê-su truyền dạy” (15,14) và “ở lại trong tình yêu của Người” (15,9-10). Đề tài “bạn hữu của Đức Giê-su” vừa gợi đến “bạn hữu của Thiên Chúa” trong Cựu Ước, vừa liên kết với đề tài “tình yêu” trong Tân Ước.

(4) Mặc khải về tư cách “bạn hữu” của Đức Giê-su trong Tin Mừng đánh dấu tương quan mới mẻ và độc đáo giữa Đức Giê-su và các môn đệ, đồng thời mở ra một giai đoạn mới trong tiến trình trao ban mặc khải. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 15,15: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết điều chủ mình làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu (philous), vì tất cả những gì Thầy nghe nơi Cha của Thầy, Thầy đã làm cho anh em biết.”

Tóm lại, một số tác giả cho rằng hai động từ “agapaô” và “phileô” đồng nghĩa với nhau, có thể thay đổi lẫn nhau, hay “phileô” có mức độ tình yêu thấp hơn “agapaô”, cách hiểu này là làm giảm nét độc đáo của đề tài “tình yêu” và “tình bạn” trong thần học Tin Mừng. Vậy đề nghị hiểu “agapaô” và “phileô” theo hướng hai động từ này không đồng nghĩa, không thay thế được cho nhau mà mỗi động từ diễn tả những khía cạnh khác nhau của lòng mến. Hai động từ này đều quan trọng và bổ túc lẫn nhau. Đề tài “tình bạn” diễn tả qua danh từ và động từ trong Tin Mừng làm rõ nghĩa đề tài “tình yêu”. “Tình yêu” theo hướng “tình bạn” đề cao tự do của con người trong lựa chọn làm môn đệ Đức Giê-su. Trong viễn cảnh này, đề tài “tình bạn” (philos, phileô) là đóng góp quan trọng của thần học Tin Mừng Gio-an. Phần sau phân tích các tương quan tình yêu (agapaô, agapê) và tình bạn (phileô, philos).

III. Tình yêu nẩy sinh sự sống

Phần này trình bày nghĩa tích cực của tình yêu và tình bạn. Đó là tình yêu đem lại sự sống được diễn tả qua mười tương quan: (1) Thiên Chúa yêu mến nhân loại; (2) Chúa Cha yêu mến Đức Giê-su; (3) Đức Giê-su yêu mến Chúa Cha; (4) Đức Giê-su yêu mến các môn đệ; (5) Chúa Cha yêu mến các môn đệ; (6) Các môn đệ yêu mến Đức Giê-su; (7) Phê-rô thương mến Đức Giê-su; (8) Đức Giê-su yêu mến Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô; (9) môn đệ Đức Giê-su yêu mến; (10) các môn đệ yêu mến nhau.

    1. Thiên Chúa yêu mến thế gian nhân loại (1 lần: 3,16)

Tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian nhân loại chỉ nói đến một lần ở 3,16 bằng động từ “agapaô”, nhưng có tầm quan trọng đặc biệt. (Xem “thế gian nhân loại” trong bài viết: “Thế gian (kosmos) là gì, là ai?”). Đức Giê-su tuyên bố ở 3,16: “Thiên Chúa đã quá yêu mến (êgapêsen) thế gian (kosmon), đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Người thì không hư mất, nhưng có sự sống đời đời.” “Thế gian” (kosmos) trong câu này là đối tượng tình yêu lớn lao của Thiên Chúa, đó là “thế gian nhân loại”, bao gồm mọi người, không loại trừ bất cứ ai và không giới hạn vào một thời đại nào. Thiên Chúa bày tỏ tình yêu mạnh mẽ dành cho nhân loại bằng cách ban tặng Con Một của Người là Đức Giê-su. Đây là tình yêu đem đến cho nhân loại sự sống đích thực: sự sống đời đời. Mọi người được mời gọi đón nhận tình yêu này bằng cách tin vào Con Một Thiên Chúa để khỏi bị hư mất. “Tin vào Đức Giê-su” là đáp trả lại tình yêu cao cả của Thiên Chúa. Theo thần học Tin Mừng, “tin” là bước vào tương quan tình yêu với Đức Giê-su và qua đó đón nhận tình yêu Thiên Chúa và sự sống đời đời ngay ở trần gian này.

Mặc khải của Đức Giê-su ở 3,16 tóm tắt sứ vụ của Người trong Tin Mừng. Lời mời gọi “tin” ở 3,16 được người thuật chuyện nhắc lại trong kết luận Tin Mừng ở 20,30-31: “30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác trước mặt các môn đệ [của Người]; chúng không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được ghi chép là để anh em tin rằng: Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa; và nhờ tin, anh em có sự sống trong danh của Người.” Vậy Tin Mừng được viết ra là để tình yêu lớn lao của Thiên Chúa dành cho nhân loại đến được với độc giả. Nhờ tin vào Đức Giê-su, con người được sống một cách dồi dào, phong phú và có ý nghĩa.     

    2. Chúa Cha yêu mến Đức Giê-su (8 lần)

Tình yêu Chúa Cha dành cho Đức Giê-su xuất hiện 8 lần với ba từ: động từ “agapaô” (6 lần: 3,35; 10,17; 15,9a; 17,23b.24.26b); động từ “phileô” (1 lần: 5,20) và danh từ “agapê” (1 lần: 17,26a). Đề tài được phân tích qua ba điểm: (1) lời chứng của Gio-an Tẩy Giả ở 3,35 và lời Đức Giê-su ở 5,20; (2) lời Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu phần cuối cuối đoạn văn về mục tử tốt ở 10,17-18; và (3) lời Đức Giê-su ở 15,9; 17,23.24.26.

(1) Về động từ “agapaô”, trước hết Tin Mừng nói đến tình yêu của “Cha” (patêr) dành cho “Con” (houis). Trong phần lời chứng của Gio-an Tẩy Giả về Đức Giê-su (3,31-36), Gio-an nói ở 3,35: “Cha yêu mến Con (ho patêr agapâi ton huion) và đã ban mọi sự trong tay Người.” Đến 5,20, Đức Giê-su khẳng định điều này khi nói với những người Do Thái ở 5,19b-20: “19b A-men, a-men, Tôi nói cho các ông: Con không thể tự mình làm điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Cha làm; vì những điều Đấng ấy làm, Con cũng làm những điều đó như vậy. 20 Vì Cha thương mến Con (ho gar patêr philei ton huion) và tỏ bày cho Người mọi điều mình làm, và sẽ tỏ bày cho Người những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông kinh ngạc.” Trong câu 5,20, Đức Giê-su dùng động từ “phileô” (thương mến) còn ở 3,35, Gio-an Tẩy Giả dùng động từ “agapaô” (yêu mến).

(2) Tiếp theo, tình yêu Chúa Cha dành cho Đức Giê-su thể hiện qua việc Đức Giê-su có quyền năng trên sự chết. Người nói với những người Pha-ri-sêu ở 10,17-18: “17 Vì điều này mà Cha yêu mến Tôi (me ho patêr agapâi): Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại nó. 18 Không ai lấy nó khỏi Tôi, nhưng chính Tôi tự mình hy sinh nó. Tôi có quyền hy sinh nó và Tôi có quyền lấy lại nó. Tôi đã nhận mệnh lệnh này từ nơi Cha của Tôi.”

(3) Sau cùng, trong Ga 13–17, Đức Giê-su nói với các môn đệ về tình yêu Chúa Cha dành cho Người và qua đó bày tỏ tình yêu của Người dành cho các môn đệ.  Người nói với họ 15,9: “Như Cha đã yêu mến Thầy (kathos êgapêsen me ho patêr), Thầy cũng yêu mến anh em (kagô humas êgapêsa). Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy (meinate en têi agapêii emêi).” Trong ch. 17, ba lần (17,23.24.26), Đức Giê-su nói về tình yêu mà Cha dành cho Người. Đức Giê-su ngỏ lời với Cha ở 17,22-23: “22 Phần Con, vinh quang mà Cha đã ban cho Con, Con đã ban cho họ để họ nên một như Chúng Ta là Một; 23 Con trong họ và Cha trong Con, để họ được hoàn toàn nên một; để thế gian nhận biết rằng: Chính Cha đã sai Con và Cha đã yêu mến họ (êgapêsas autous) như đã yêu mến Con (kathos eme êgapêsas).” Vậy tình yêu Chúa Cha dành cho các môn đệ cũng là tình yêu Chúa Cha dành cho Đức Giê-su.

Sau đó Đức Giê-su khẳng định là Cha đã yêu mến Người trước khi thế gian được tạo thành khi thưa với Cha ở 17,24: “Lạy Cha, về những người mà Cha đã ban cho Con (các môn đệ), Con muốn rằng Con ở đâu, thì họ cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con, vinh quang mà Cha đã ban cho Con vì Cha đã yêu mến Con (êgapêsas me) trước khi thế gian được tạo thành.” Kết thúc ch. 17, Đức Giê-su mong muốn tình yêu Chúa Cha dành cho Người ở lại trong các môn đệ ở mọi nơi và qua mọi thời, Người nói lời cuối cùng với Cha ở 17,26: “Con đã làm cho họ (các môn đệ) biết danh của Cha, và Con sẽ còn làm cho họ biết, để tình yêu mà Cha đã yêu mến Con (hê agapê hên êgapêsas me) ở trong họ và Con trong họ.”

Tóm lại, Gio-an Tẩy Giả nói về tình yêu Chúa Cha (patêr) dành cho Con (houis) là Đức Giê-su (3,35). Đức Giê-su khẳng định điều này với những người Do Thái ở 5,20. Đến 10,17, Đức Giê-su nói: “Cha yêu mến Tôi”. Sang phần diễn từ từ biệt (Ga 13–17), Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Cha yêu mến Thầy” (15,9a). Chúa Cha yêu mến các môn đệ cũng bằng tình yêu Người dành cho Đức Giê-su (17,23). Đó là tình yêu mà Đức Giê-su đã có “trước khi thế gian được tạo thành” (17,24). Cuối cùng, Đức Giê-su mong muốn tình yêu Chúa Cha dành cho Người (17,26a.26b) ở lại nơi các môn đệ.  

    3. Đức Giê-su yêu mến Chúa Cha (2 lần: 14,31; 15,10b)

Tình yêu Đức Giê-su dành cho Cha của Người được nói đến 2 lần ở 14,31a (động từ agapaô) và 15,10b (danh từ agapê). Ở 14,31, biến cố Thương Khó là lúc Đức Giê-su bày tỏ tình yêu của Người với Cha và là lúc Người hoàn tất sứ vụ Cha giao phó. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,30-31: “30 Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa vì thủ lãnh của thế gian đang đến. Nó không có gì trên Thầy, 31 nhưng để thế gian biết rằng: Thầy yêu mến Cha (agapô ton patera) và như Cha đã truyền cho Thầy thế nào, Thầy làm như vậy. Hãy đứng dậy, chúng ta đi khỏi đây.” Trong ch. 15, Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 15,10: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu (meneite en têi agapêi) của Thầy, như chính Thầy, Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu (menô en têi agapêi) của Người.” Kiểu nói “ở lại trong tình yêu” của Cha vừa gợi đến tình yêu Chúa Cha dành cho Đức Giê-su, vừa cho thấy Đức Giê-su đáp trả tình yêu ấy bằng cách yêu mến Cha. Cả hai lần (14,31; 15,10), Đức Giê-su mặc khải về tình yêu của Người dành cho Chúa Cha qua hai kiểu nói: “yêu mến Cha” (14,31a) “ở lại trong tình yêu của Cha” (15,10b). Đức Giê-su chia sẻ tình yêu này với các môn đệ (15,9).

    4. Đức Giê-su yêu mến các môn đệ (10 lần)

Tình yêu Đức Giê-su dành cho các môn đệ được nói đến 10 lần bằng ba từ: danh từ “agapê” (1 lần: 15,13), động từ “agapaô” (6 lần: 13,1a.1b.34b; 14,21d; 15,9b.12b) và danh từ “philos” (3 lần: 15,13.14.15). Phần sau trình bày ba ý: (1) tình yêu Đức Giê-su dành cho các môn đệ (13,1; 15,9); (2) để đón nhận tình yêu này các môn đệ được mời gọi thực hiện hai điều: yêu mến Đức Giê-su (14,21) và yêu mến lẫn nhau (13,34; 15,12); (3) tình yêu của Đức Giê-su diễn tả qua tình bạn (15,13-15).

(1) Theo thần học Tin Mừng, qua biến cố Thương Khó, Đức Giê-su đi về với Cha, đó là lúc Đức Giê-su bày tỏ tình yêu dành cho Chúa Cha (14,31) và dành cho các môn đệ (13,1). Các diễn từ từ biệt (Ga 13–17) mở đầu cách long trọng ở 13,1: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết rằng giờ của Người đã đến để ra khỏi thế gian này mà về với Cha. Đã yêu mến (agapêsas) những kẻ thuộc về mình ở trong thế gian, Người đã yêu mến (êgapêsen) họ đến cùng.” Hai lần động từ “agapaô” trong câu này diễn tả sự trung tín và bền bỉ trong tình yêu: Đức Giê-su đã yêu, đang yêu và sẽ yêu cho đến cùng, nghĩa là cho đến hy sinh mạng sống vì tình yêu. Trong ch. 15, Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 15,9: “Như Cha đã yêu mến Thầy (kathos êgapêsen me ho patêr), Thầy cũng yêu mến anh em (kagô humas êgapêsa). Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy (meinate en têi agapêii emêi).” Như thế, tình yêu của Đức Giê-su dành cho các môn đệ bắt nguồn từ tình yêu Chúa Cha dành cho Người.

(2) Để được Đức Giê-su yêu mến, người môn đệ được mời gọi thực hiện hai điều : (1) trước hết là “có các điều răn của Đức Giê-su” và “giữ chúng” (14,21a), nghĩa là hiểu biết giáo huấn của Đức Giê-su và đem ra thực hành. Đây không phải là việc làm bắt buộc mà “giữ các điều răn” là cách bày tỏ tình yêu của môn đệ dành cho Thầy. Ai sống như thế sẽ được Chúa Cha và Đức Giê-su yêu mến như Người đã nói với các môn đệ ở 14,21: “Ai có các điều răn của Thầy và giữ chúng, người ấy là người yêu mến (ho agapôn) Thầy. Mà ai yêu mến (ho de agapôn) Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến (agapêthêsetai). Chính Thầy sẽ yêu mến (agapêsô) người ấy và Thầy sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (2) Điều thứ hai là sống điều răn yêu thương Đức Giê-su ban tặng: “Anh em hãy yêu mến nhau (hina agapate allêlous), như Thầy đã yêu mến (êgapêsa) anh em” (13,34; 15,12). Tình yêu Đức Giê-su dành cho các môn đệ là nền tảng và khuôn mẫu của tình yêu giữa các môn đệ với nhau.

(3) Tình yêu Đức Giê-su dành cho các môn đệ còn được diễn tả qua tương quan bạn hữu. Vì yêu mến các môn đệ, Đức Giê-su cho họ trở thành bạn hữu của Người. Nối kết tình yêu với tình bạn và định nghĩa “bạn hữu” được Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 15,13-15: “13 Không ai có tình yêu (agapên) cao cả hơn người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu (tôn philôn) của mình. 14 Anh em là bạn hữu (philoi) của Thầy, nếu anh em làm những điều Thầy truyền dạy anh em. 15 Thầy không gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết điều chủ mình làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu (philous), vì tất cả những gì Thầy nghe nơi Cha của Thầy, Thầy đã làm cho anh em biết.” Để trở thành bạn hữu của Đức Giê-su cần sự dấn thân từ cả hai phía. Về phía các môn đệ, họ giữ những điều Đức Giê-su truyền dạy (15,14), nghĩa là hiểu biết và áp dụng giáo huấn của Người vào cuộc sống. Về phía Đức Giê-su, Người bày tỏ tình yêu cao cả bằng cách hy sinh mạng sống mình (15,13) và trao ban toàn bộ mặc khải cho các môn đệ, nghĩa là đã làm cho các môn đệ biết tất cả những gì Người đã nghe nơi Cha (15,15b).

Tóm lại, Đức Giê-su yêu mến các môn đệ bằng tình yêu Chúa Cha đã dành cho Người (15,9), đó là tình yêu đến cùng (13,1a.1b), đến hy sinh mạng sống vì người mình yêu (15,13). Để đón nhận tình yêu của Đức Giê-su, các môn đệ được mời gọi yêu mến và giữ các điều răn của Người (14,21). Tình yêu của Đức Giê-su là nền tảng tình yêu giữa các môn đệ với nhau (13,34; 15,12). Vì yêu mến các môn đệ mà Đức Giê-su cho họ trở thành bạn hữu của Người (15,13.14.15).

    5. Chúa Cha yêu mến các môn đệ (4 lần) 

Tình yêu Chúa Cha dành cho các môn đệ được nói đến 4 lần bằng động từ “agapaô” (3 lần: 14,21c.23b; 17,23a) và động từ “phileô” (1 lần: 16,27a).

Trong đoạn văn 14,15-24, điều kiện để được Chúa Cha yêu mến là yêu mến Đức Giê-su và giữ các điều răn của Người. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,21: “Ai có các điều răn của Thầy và giữ chúng, người ấy là người yêu mến (ho agapôn) Thầy. Mà ai yêu mến (ho de agapôn) Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến (agapêthêsetai). Chính Thầy sẽ yêu mến (agapêsô) người ấy và Thầy sẽ tỏ mình ra cho người ấy”; và ở 14,23: “Ai yêu mến (agapai) Thầy sẽ giữ lời của Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến (agapêsei) người ấy.” Trong ch. 17, Đức Giê-su thưa với Cha ở 17,22-23: “22 Phần Con, vinh quang mà Cha đã ban cho Con, Con đã ban cho họ (các môn đệ) để họ nên một như Chúng Ta là Một; 23 Con trong họ và Cha trong Con, để họ được hoàn toàn nên một; để thế gian nhận biết rằng: Chính Cha đã sai Con và Cha đã yêu mến họ (êgapêsas autous) như đã yêu mến Con.”

Ở 16,27, tình yêu Chúa Cha dành cho các môn đệ diễn tả bằng động từ “phileô” và cùng một tiến trình như ở 14,21.23: Chúa Cha thương mến các môn đệ bởi vì các môn đệ thương mến Đức Giê-su. Người nói với các môn đệ ở 16,27: “Thật vậy, chính Cha thương mến (philei) anh em, vì anh em đã thương mến (pephilêkate) Thầy và tin rằng: Thầy từ Thiên Chúa mà đến.”

    6. Các môn đệ yêu mến Đức Giê-su (8 lần)

Đề tài các môn đệ yêu mến Đức Giê-su chỉ xuất hiện trong ba chương (Ga 14–16). Đức Giê-su nói với các môn đệ về đề tài này 8 lần với ba từ: danh từ “agapê” (2 lần: 15,9.10a), động từ “agapaô(5 lần: 14,15.21a.21b.23a.28) và động từ phileô” (1 lần: 16,27b). Lời mời gọi “yêu mến Đức Giê-su” luôn đi kèm với các tương quan tình yêu khác như: Đức Giê-su yêu mến các môn đệ, Chúa Cha yêu mến Đức Giê-su, Chúa Cha yêu mến các môn đệ. Phần sau trình bày đề tài qua ba điểm: (1) tình yêu của các môn đệ dành cho Đức Giê-su là một phần trong dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ; (2) yêu mến Đức Giê-su gắn liền với giữ các điều răn của Người; (3) “yêu mến”, “thương mến” và “niềm vui” (14,28; 16,27).

(1) Trong đoạn văn 15,9-11, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ ở lại trong tình yêu của Người, nghĩa là bước vào tương quan tình yêu như Người nói với họ ở 15,9: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em. Anh em hãy ở lại trong tình yêu (meinate en têi agapêi) của Thầy.” Đức Giê-su nhắc lại ở 15,10: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu (meneite en têi agapêi) của Thầy, như chính Thầy, Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu của Người.” Để đáp lại tình yêu Đức Giê-su dành cho các môn đệ, họ được mời gọi ở lại trong tình yêu của Đức Giê-su. Tình yêu giữa Đức Giê-su và các môn đệ hoạ lại tình yêu giữa Chúa Cha và Đức Giê-su. Cùng với tình yêu giữa các môn đệ với nhau trong điều răn yêu thương (13,34), hình thành một dòng chảy tình yêu giữa các nhân vật: Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ. Đó là tình yêu giữa Chúa Cha và Đức Giê-su, giữa Đức Giê-su và các môn đệ, giữa  các môn đệ với nhau. Xem bài viết: “Ga 15,9-13: Dòng chảy TÌNH YÊU giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ.”

(2) Đặc biệt trong đoạn văn 14,15-24, “yêu mến Đức Giê-su” gắn liền với “giữ các điều răn của Người”. Sự liên kết giữa “yêu mến” và “tuân giữ” là nền tảng cuộc đời người môn đệ. Đức Giê-su lặp lại điều này nhiều lần trong đoạn văn 14,15-24. Người nói với các môn đệ ở 14,15-16: “15 Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy; 16 và chính Thầy sẽ can thiệp với Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Pa-rác-lê khác để Người ở với anh em mãi mãi”; ở 14,21: “Ai có các điều răn của Thầy và giữ chúng, người ấy là người yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến. Chính Thầy sẽ yêu mến người ấy và Thầy sẽ tỏ mình ra cho người ấy”; và ở 14,23: “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời của Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Tôi sẽ đến với người ấy và sẽ làm chỗ ở nơi người ấy.” Như thế, “yêu mến Đức Giê-su và giữ các điều răn của Người” là đề tài quan trọng, vì nhờ đó các môn đệ được Đức Giê-su và Chúa Cha yêu mến, đồng thời được ba Đấng (Đấng Pa-rác-lê, Đức Giê-su và Chúa Cha) hiện hiện nơi mình. Xem bài viết: Ga 14,15-24: ‘Yêu mến Đức Giê-su’ và ‘giữ các điều răn của Người’ sẽ được gì?

(3) Trong ch. 14, yêu mến Đức Giê-su làm nẩy sinh niềm vui, như Người  nói với các môn đệ ở 14,28: “Anh em đã nghe chính Thầy đã nói với anh em: ‘Thầy ra đi và Thầy đến với anh em.’ Nếu anh em yêu mến (ei êgapate) Thầy, anh em đã vui mừng vì Thầy đi về với Cha, vì Cha lớn hơn Thầy.” Đến ch. 16, các môn đệ đã thương mến (phileô) Đức Giê-su khi Người nói với họ ở 16,27: “Thật vậy, chính Cha thương mến (philei) anh em, vì anh em đã thương mến (pephilêkate) Thầy và tin rằng: Thầy từ Thiên Chúa mà đến” (16,27).

Tóm lại, “yêu mến Đức Giê-su” là “ở lại trong tình yêu” của Người (15,9.10a), là đón nhận tình yêu của Chúa Cha và của Đức Giê-su (14,21a.21b.23b.16,27). “Yêu mến Đức Giê-su” đem lại niềm vui đích thực vì nhận biết ý nghĩa biến cố Đức Giê-su đi về với Cha (14,28). “Yêu mến Đức Giê-su” không thể tách rời “giữ các điều răn của Người” (14,15.21.23). Xem phân tích “yêu mến và tuân giữ” trong tập sách, Khủng hoảng và giải pháp cho các môn đệ, tr. 215-219.

    7. Phê-rô thương mến Đức Giê-su (7 lần)

Sau biến cố Đức Giê-su Phục Sinh tỏ mình ra cho các môn đệ ở biển hồ Ti-bê-ri-a qua dấu lạ mẻ cá lạ lùng (21,1-14), ba lần Đức Giê-su hỏi Phê-rô về tình yêu của ông dành cho Người. Trong cuộc đối thoại ở 21,15-17, Đức Giê-su hỏi Phê-rô hai lần đầu bằng động từ “agapaô” (21,15a.16a) và hỏi lần thứ ba bằng động từ “phileô” (21,17a). Phê-rô trả lời ba lần bằng động từ “phileô” (21,15b.16b.17c). Người thuật chuyện lặp lại câu Đức Giê-su hỏi lần thứ ba (động từ “phileô”) ở 21,17b. Vậy trong cuộc đối thoại ở 21,15-17 xuất hiện 2 lần “agapaô” (21,15a.16a) và 5 lần  “phileô” (21,15b.16b.17a.17b.17c).

Người thuật chuyện kể ở 21,15-17: “15 Khi các ông (các môn đệ) ăn xong, Đức Giê-su nói với Si-môn Phê-rô: ‘Si-môn, con Gio-an, anh có yêu mến (agapais) Thầy hơn những người này không?’ Ông ấy nói với Người: ‘Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến (philô) Thầy.’ Người nói với ông: ‘Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.’ 16 Người lại nói với ông ấy lần thứ hai: ‘Si-môn, con Gio-an, anh có yêu mến (agapais) Thầy không?’ Ông ấy nói với Người: ‘Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến (philô) Thầy.’ Người nói với ông ấy: ‘Hãy chăn dắt chiên của Thầy.’ 17 Người nói với ông ấy lần thứ ba: ‘Si-môn, con Gio-an, anh có thương mến (phileis) Thầy không?’ Phê-rô buồn vì Người nói với ông ấy lần thứ ba: ‘Anh có thương mến (phileis) Thầy không?’ Rồi ông ấy nói với Người: ‘Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự; Thầy biết con thương mến (philô) Thầy.’ [Đức Giê-su] nói với ông: ‘Hãy chăm sóc chiên của Thầy.’”

Động từ “phileô” (thương mến) trong đoạn văn trên gợi đến đề tài bạn hữu “philos” (cùng gốc từ với phileô) ở 15,13-15. Khi Phê-rô thương mến (philei) Đức Giê-su là ông bước vào tương quan tình bạn với Người và sống tư cách bạn hữu của Người. Để là bạn hữu của Đức Giê-su cần ba điều: (1) Nhận ra tình yêu cao cả của Đức Giê-su là hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu (15,13). (2) Làm những điều Đức Giê-su truyền dạy (15,14). (3) Toàn bộ mặc khải đã được trao ban rồi (15,15b), không cần tìm kiếm ở nơi nào khác ngoài giáo huấn của Đức Giê-su.

Ba lần ở 21,15-17, Phê-rô tuyên xưng lòng mến dành cho Đức Giê-su trước khi được Người trao phó sứ vụ chăn dắt. Vậy yêu mến Đức Giê-su là nền tảng và căn tính của sứ vụ chăn dắt. Có thể nói, nếu như người được giao phó nhiệm vụ chăn dắt không thực sự yêu mến Đức Giê-su, không là bạn hữu của Người, thì ngay lúc ấy, người ấy không đủ tư cách để chăn dắt đàn chiên của Đức Giê-su nữa. Trong cả ba lần ở 21,15-17, Đức Giê-su nhấn mạnh “chiên của Thầy” chứ không phải của Phê-rô. Sở hữu đàn chiên là Đức Giê-su vì Người là mục tử tốt và là mục tử duy nhất của đàn chiên (10,10-12). Phê-rô được uỷ thác nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên của Đức Giê-su, nên ông sẽ chăn dắt đàn chiên theo ý muốn của Người và dựa trên tình yêu dành cho Người và dành cho đàn chiên của Người.

    8. Đức Giê-su yêu mến Mác-ta, Ma-ri-a, La-da-rô (4 lần)

Tình yêu Đức Giê-su dành cho ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô được nói đến 4 lần trong ch. 11 với ba từ: động từ “agapaô” (1 lần: 11,5), động từ “phileô” (2 lần: 11,3.36), và danh từ “philos” (1 lần: 11,11).

Người thuật chuyện cho biết ở 11,5: “Đức Giê-su yêu mến (êgapa) Mác-ta, em cô ấy và La-da-rô.” La-da-rô được gọi là “người Đức Giê-su thương mến (philei)” vì hai chị sai người đến nói với Đức Giê-su về La-da-rô ở 11,3b: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến (phileis) bị bệnh.” Những người Do Thái đến chia buồn với Mác-ta và Ma-ri-a, xác nhận là Đức Giê-su thương mến (phileô) La-da-rô khi nói với nhau ở 11,36: “Xem kìa! Ông ta (Đức Giê-su) thương (ephilei) anh ấy biết mấy.” Khi nói với các môn đệ, Đức Giê-su gọi La-da-rô là “bạn của chúng ta” ở 11,11: “La-da-rô, bạn của chúng ta (ho philos êmôn), đang yên giấc; nhưng Thầy đi để đánh thức anh ấy.”

    9. Môn đệ Đức Giê-su yêu mến (5 lần)

Nhân vật “môn đệ Đức Giê-su yêu mến” được nói đến 5 lần trong Tin Mừng, trong đó 4 lần dùng động từ “agapaô” (13,23; 19,26; 21,7.20) và 1 lần động từ “phileô” (20,2). Người thuật chuyện kể ở 13,23: “Có một người trong các môn đệ của Người (Đức Giê-su) đang dùng bữa, tựa vào lòng Đức Giê-su, đó là người Đức Giê-su yêu mến (êgapa).” Ở 20,1-2, khi Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ Đức Giê-su lúc sáng sớm và thấy tảng đá đã bị lấy ra khỏi mộ, “Bà liền chạy đến với Si-môn Phê-rô và người môn đệ khác – người Đức Giê-su thương mến (ephilei) –, bà nói với các ông: ‘Người ta đã lấy Chúa khỏi mộ và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu’” (20,2). Xem các bài viết về môn đệ này: “Ba môn đệ môn đệ vô danh và môn đệ Đức Giê-su yêu mến”;  “Tông đồ Gio-an và môn đệ Đức Giê-su yêu mến”; “Ga 21,20-25. Vận mệnh, bút tích và lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến”; “Lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến.”

    10. Các môn đệ yêu mến nhau (5 lần)

Tình yêu giữa các môn đệ với nhau xuất hiện 5 lần trong Tin Mừng và có liên hệ chặt chẽ với điều răn yêu thương. Động từ “agapaô” được dùng 4 lần (13,34a.34c; 15,12a.17) và 1 lần danh từ “agapê” (13,35).

Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 13,34-35: “34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu mến nhau (hina agapate allêlous), như Thầy đã yêu mến (êgapêsa) anh em anh em hãy yêu mến nhau (agapate allêlous). 35 Ở điều này mọi người sẽ nhận biết rằng: Anh em là môn đệ của Thầy, nếu anh em có tình yêu mến (agapên) lẫn nhau.” Đức Giê-su nhắc lại điều răn này với các môn đệ ở 15,12: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu mến nhau (hina agapate allêlous) như Thầy đã yêu mến (êgapêsa) anh em”; và ở 15,17: “Những điều này, Thầy truyền dạy anh em, để anh em yêu mến nhau (hina agapate allêlous)” (15,17).

Tình yêu của Thiên Chúa, của Đức Giê-su và của các môn đệ làm nên dòng chảy tình yêu giữa các nhân vật này (xem phân tích ở trên). Đặc biệt điều răn yêu thương (13,34; 15,12) là điều răn mới, điều răn Đức Giê-su ban tặng và chỉ dành cho các môn đệ, bởi vì họ yêu mến nhau bằng tình yêu Đức Giê-su đã yêu mến họ. Để sống điều răn yêu thương này, các môn đệ cần không ngừng quy chiếu về tình yêu của Đức Giê-su và đặt nền tảng tình yêu lẫn nhau trên tình yêu cao cả của Đức Giê-su (15,13). Xem bài viết: “Ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh.”

IV. Tình yêu dẫn đến sự hư mất

Có bốn loại tình yêu dẫn đến sự hư mất: (1) yêu mến bóng tối (3,19); (2) yêu mến vinh quang của con người (12,43); (3) yêu mạng sống mình (12,25); (4) yêu thích cái gì của riêng nó (15,19).

    1. Yêu mến bóng tối (1 lần: 3,19)

Đức Giê-su tuyên bố ở 3,18-19: “18 Ai tin vào Người (Con Một Thiên Chúa) thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa. 19 Đây là án xử: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã yêu mến (êgapâsan) bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc của họ thì xấu xa.” Hai câu này tóm tắt thần học Tin Mừng về lựa chọn “tin” hay “không tin” vào Đức Giê-su. Đề tài “yêu mến bóng tối (skotos)” gợi đến xung đột và tranh luận của những kẻ chống đối Đức Giê-su trong Tin Mừng. Về “các việc xấu xa” ở 3,19b, kiểu nói này gợi đến “công việc của quỷ” (8,41.44). Cụ thể “các việc xấu xa” (3,19b) là tìm giết Đức Giê-su (8,37.40). Xem phân tích danh từ “skotos” (bóng tối) trong bài viết: “Ánh sáng và bóng tối trong Tin Mừng Gio-an.” Tình yêu diễn tả bằng động từ “agapaô” trong kiểu nói “yêu mến bóng tối” (3,19) là tình yêu dẫn đến sự chết, sự hư mất.

    2. Yêu mến vinh quang con người (1 lần: 12,43)

Cuối sứ vụ Đức Giê-su (ch. 12), người thuật chuyện tóm kết ở 12,42-43: “42 Tuy nhiên, ngay cả trong giới lãnh đạo nhiều người đã tin vào Người (Đức Giê-su). Nhưng vì những người Pha-ri-sêu, họ không tuyên xưng để không trở thành những kẻ bị khai trừ khỏi hội đường. 43 Vì họ yêu mến (êgapêsan) vinh quang của con người hơn vinh quang của Thiên Chúa.” Liên từ “Tuy nhiên” ở đầu câu 12,42 tương phản với sự không tin trong đoạn văn trước (12,37-41) như người thuật chuyện nhận định ở 12,37: “Người (Đức Giê-su) đã làm quá nhiều dấu lạ trước mặt họ (những kẻ chống đối), họ không tin vào Người.” Tương phản ở 12,42-43 là có nhiều người trong giới lãnh đạo tin vào Đức Giê-su nhưng không dám tuyên xưng vì sợ bị khai trừ khỏi hội đường (12,42). (Xem đề tài “trục xuất khỏi hội đường” trong tập sách: YÊU và GHÉT trong Tin Mừng Gio-an, Phần I, tr. 228-255). Lý do là vì “họ yêu mến (êgapêsan) vinh quang của con người hơn vinh quang của Thiên Chúa” (12,43). Tình yêu ở đây, diễn tả bằng động từ “agapaô”, là thứ tình yêu có nguy cơ dẫn đến sự hư mất, cho dù họ đã tin vào Đức Giê-su nhưng đó chưa phải là lòng tin thực sự. Họ được mời gọi can đảm tuyên xưng lòng tin.

    3. Yêu mạng sống mình (1 lần: 12,25)

Ở 12,24-25, Đức Giê-su dùng hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất và kiểu nói “yêu mạng sống – ghét mạng sống” để nói về sự chết của Người. Người nói với các môn đệ ở 12,24-25: “24 A-men, a-men, Thầy nói cho anh em: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, nó vẫn ở lại một mình; nhưng nếu chết đi, nó sinh nhiều hoa trái. 25 Ai yêu (ho philôn) mạng sống mình thì mất nó; ai ghét (ho misôn) mạng sống mình trong thế gian này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời.” Tiếng Hy-lạp “ho philôn” là động tính từ, thì hiện tại, giống đực, số ít, chủ cách, dùng như danh từ, có nghĩa: “ai yêu”, “người yêu”. Đây là tình yêu làm “mất mạng sống mình”, nghĩa là không “giữ được nó cho sự sống đời đời” (12,25c). Xem phân tích “yêu và ghét mạng sống” trong tập sách: YÊU và GHÉT trong Tin Mừng Gio-an, Phần II, tr. 265-335.

    4. Thế gian yêu thích cái gì của riêng nó (1 lần: 15,19)

Đức Giê-su cho các môn đệ biết ở 15,18-19: “18 Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19 Nếu anh em thuộc về thế gian, thế gian đã yêu thích (ephilei) cái gì là của riêng nó (to idion). Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, vì điều này, thế gian ghét anh em.” Cụm từ “cái gì là của riêng nó” tiếng Hy-lạp là “to idion” có nghĩa “cái của riêng nó”, “cái thuộc về nó”. Nếu các môn đệ thuộc về thế gian thì thế gian đã yêu mến họ. Thế gian ở đây là thế gian thù ghét, bách hại Đức Giê-su và các môn đệ. Xem bài viết: “Sáu đặc điểm của thế gian thù ghét.” Tình yêu của thế gian, diễn tả bằng động từ “phileô” (15,19a), dẫn đến sự hư mất và sự kết án.

V. Không yêu mến, không có tình yêu

Đề tài phủ định tình yêu: “không yêu mến” và “không có tình yêu” được trình bày qua hai điểm: (1) không yêu mến Đức Giê-su (8,42; 14,24); (2) không có tình yêu của Thiên Chúa (5,42).

    1. Không yêu mến Đức Giê-su (2 lần: 8,42; 14,24)

Trong đoạn văn 8,31-59, những người Do Thái khẳng định Thiên Chúa là Cha của họ, khi nói với Đức Giê-su ở 8,41b: “Chúng tôi không phải là con đẻ hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa.” Nhưng Đức Giê-su phủ nhận điều này khi nói với họ ở 8,42: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ông, các ông đã yêu mến (êgapate) Tôi, vì chính Tôi phát xuất và đến từ nơi Thiên Chúa. Tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Đấng ấy đã sai Tôi.” Đức Giê-su nói rõ ai là cha của những người Do Thái ở 8,44a: “Các ông thuộc về quỷ là cha các ông, và các ông muốn làm những ước muốn của cha các ông.” Như thế, Thiên Chúa không còn là Cha của những người Do Thái nữa vì họ đã không yêu mến Đức Giê-su và không nhìn nhận Người đến từ nơi Thiên Chúa.

Trong đoạn văn nói về “yêu mến Đức Giê-su và tuân giữ các điều răn của Người” (14,15-24), Đức Giê-su dùng thể phủ định khi nói với các môn đệ ở 14,24: “Ai không yêu mến (ho me agapôn) Thầy thì không giữ những lời của Thầy; và lời mà anh em nghe không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy.” Trong đoạn văn 14,15-24, Đức Giê-su nhấn mạnh bằng kiểu nói khẳng định và phủ định: “yêu mến thì tuân giữ” (14,15.21.23), “không yêu mến thì không tuân giữ” (14,24a), nghĩa là nếu thiếu một trong hai hành động (yêu mến / tuân giữ) thì sẽ không có gì cả. Đối tượng động từ “tuân giữ” ở đây là “các điều răn của Đức Giê-su” (14,15.21.23) và “những lời của Người” (14,24b). Những kiểu nói này bao hàm tất cả giáo huấn của Đức Giê-su trong Tin Mừng.

    2. Không có tình yêu của Thiên Chúa (1 lần: 5,42)

Trong diễn từ độc thoại ở 5,19-47, Đức Giê-su tố cáo những người Pha-ri-sêu bách hại Người ở 5,42: “Tôi biết các ông: Các ông không có tình yêu của Thiên Chúa (tên agapên tou theou) trong các ông.” Cụm từ “tình yêu của Thiên Chúa” có thể hiểu theo cả hai cách: tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người (nghĩa chủ thể) hay tình yêu của con người dành cho Thiên Chúa (nghĩa đối tượng). Khi những người Pha-ri-sêu bách hại Đức Giê-su (5,16) và tìm giết Người (5,18), họ không có tình yêu dành cho Thiên Chúa (nghĩa đối tượng), và không để tình yêu của Thiên Chúa ở lại trong lòng họ (nghĩa chủ thể).

VI. Bạn hữu

Danh từ “philos” (bạn hữu) xuất hiện 6 lần, trình bày ba loại bạn hữu: bạn của Đức Giê-su (4 lần: 11,11; 15,13.14.15), bạn của chú rể (1 lần: 3,29) và bạn của Xê-da (1 lần: 19,12).

    1. Bạn hữu của Đức Giê-su (4 lần)

Trong mục “Đức Giê-su yêu mến các môn đệ” trên đây đã trình bày cách thức Đức Giê-su bày tỏ tình yêu của Người với các môn đệ. Người gọi các môn đệ là bạn hữu (philos) của Người (3 lần ở 15,13.14.15). Khi bàn về “Đức Giê-su yêu mến Mác-ta, Ma-ri-a và Ladarô” cũng đã cho biết Đức Giê-su gọi La-da-rô là “bạn của  chúng ta” khi nói với các môn đệ ở 11,11.

    2. Gio-an Tẩy Giả là bạn của chú rể (1 lần: 3,29)

Gio-an dùng hình ảnh “bạn của chú rể” để nói về tương quan giữa ông với Đức Giê-su. Gio-an nói với các môn đệ của ông ở 3,29-30: “29 Người có cô dâu mới là chú rể. Còn bạn (ho philos) của chú rể là người đứng đó và nghe chàng thì hớn hở vui mừng vì tiếng nói của chú rể. Đó là niềm vui của thầy đã được nên trọn. 30 Đấng ấy phải lớn lên, còn thầy phải suy giảm.”

    3. Bạn của Xê-da (1 lần: 19,12)

Trong đoạn văn Đức Giê-su xuất hiện trước Phi-la-tô (18,28–19,16a), những người Do Thái làm áp lực với Phi-la-tô khi họ kêu lên ở 19,12b: “Nếu ông (Phi-la-tô) tha người này (Đức Giê-su), ông không là bạn (philos) của Xê-da. Bất cứ ai tự cho mình là vua thì chống lại Xê-da.”

Kết luận

Đề tài tình yêu và tình bạn trong Tin Mừng Gio-an được trình bày qua hai cặp từ: (1) danh từ “agapê” (tình yêu) và động từ “agapaô” (yêu mến); (2) danh từ “philos” (bạn hữu) và động từ “phileô” (thương mến). Hai động từ “agapaô” và “phileô” không đồng nghĩa với nhau hay có thể thay đổi cho nhau. Nhưng mỗi động từ diễn tả một khía cạnh của tình yêu. Động từ “agapaô” là tình yêu theo nghĩa chung, còn động từ “phileô”, cùng gốc với danh từ “philos” (bạn hữu) diễn tả tình yêu theo hướng tình bạn. Không phải tình yêu diễn tả bằng “agapaô” thì cao hơn tình yêu diễn tả bằng động từ “phileô”, nhưng cả hai động từ này đều quan trọng. Bởi vì động từ “phileô” nói về tình yêu Chúa Cha dành cho Đức Giê-su (5,20), tình yêu Chúa Cha dành cho các môn đệ (16,27a) và tình yêu các môn đệ dành cho Đức Giê-su (16,27b).

Nội dung bài viết đã bàn đến tất cả 63 lần đề tài tình yêu và tình bạn diễn tả qua bốn từ: “agapê” (7 lần), “agapaô” (37 lần), “philos” (6 lần), “phileô” (13 lần). Bảng sau đây liệt kê 63 lần các từ này, xếp loại theo chủ thể và đối tượng của tương quan tình yêu. Sự phong phú và đa đạng trong bảng tóm kết cho thấy tình yêu và tình bạn là đề tài độc đáo của Tin Mừng.


Hai lần đầu tiên (3,16.19) của động từ agapaô” (yêu mến) xuất hiện trong Tin Mừng đã tóm tắt nội dung sách Tin Mừng. Lần đầu tiên ở 3,16, Đức Giê-su khẳng định tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian: “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một” (3,16a). Lần thứ hai ở 3,19, Đức Giê-su nói đến tình yêu của con người dành cho bóng tối, khi Người tuyên bố: “Đây là án xử: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã yêu mến bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc của họ thì xấu xa” (3,19). Đức Giê-su đến để thế gian có sự sống nhờ tin vào Người, nhưng giới lãnh đạo Do Thái đã khước từ, chống đối và giết Đức Giê-su. Vì thế Tin Mừng được trình bày như một vụ kiện giữa Ánh Sáng (Đức Giê-su) và bóng tối (thế lực chống đối). Qua đó Tin Mừng trình bày cho độc giả biết căn tính và sứ vụ của Đức Giê-su và mời gọi mọi người tin để “có ánh sáng của sự sống” (8,12), “có sự sống và có dồi dào” (10,10).

Đề tài tình yêu và tình bạn trong Tin Mừng không chỉ dẫn đến sự sống mà có thể dẫn đến sự chết, đó là “yêu mến bóng tối” (3,19), “yêu mạng sống mình” (12,25). Theo thần học Tin Mừng, điều quan trọng không phải là “yêu” mà là chủ thể và đối tượng của tình yêu. Yêu ai? Yêu điều gì? Được ai yêu? Chỉ sau khi trả lời những câu hỏi này mới xác định được đó là tình yêu đem lại sự sống hay tình yêu dẫn đến sự chết./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét