Mc 3,31-35: “31 Mẹ của Người và anh em của Người đến, đứng ở ngoài và cho gọi Người ra. 32 Có một đám đông đang ngồi chung quanh Người, họ nói với Người: ‘Này, mẹ của Thầy và anh em của Thầy, [và chị em của Thầy] ở ngoài đang tìm Thầy.’ 33 Người lên tiếng nói với họ: ‘Ai là mẹ của Tôi và anh em [của Tôi]?’ 34 Rồi rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh Người, Người nói: ‘Đây là mẹ của Tôi và anh em của Tôi. 35 [Vì] người thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em của Tôi, chị em và là mẹ của Tôi.’” (// Mt 12,46-50; Lc 8,19-21).
Trong năm câu Mc 3,31-35, xuất hiện 5 lần từ “hê mêtêr” (mẹ), 5 lần từ “ho adelphos” (anh/em) và 2 lần từ “hê adelphê” (chị/em), (c.32.35). Có người nghĩ rằng Đức Giê-su như thể xem nhẹ tương quan ruột thịt, họ hàng. Tuy nhiên không có chi tiết nào trong bản văn cho phép hiểu như thế. Thật ra kiểu hành văn này thường xuất hiện trong Tin Mừng. Mục đích của Tin Mừng không nhằm kể lại những sự kiện trong cuộc sống hằng ngày mà nhằm thuật lại giáo huấn của Đức Giê-su dành cho độc giả, nên tác giả thường dựa vào điều diễn ra hằng ngày để trình bày mặc khải thần học.
Những người thân đến gặp Đức Giê-su là điều xảy ra và Người dựa vào đó để mặc khải về tương quan tâm linh. Cụ thể là đám đông đang ngồi nghe Người. Chính họ là mẹ và anh em của Người (c.34b). Họ là những người “thi hành ý muốn của Thiên Chúa” (c.35a), nghĩa là lắng nghe và tuân giữ giáo huấn Đức Giê-su, vì Người nói lời Thiên Chúa (Ga 3,34a) và thực hiện ý muốn của Thiên Chúa (Ga 6,38).
Các từ Hy-lạp “hê mêtêr” (mẹ), “ho adelphos” (anh/em) và “hê adelphê” (chị/em) chỉ về tương quan ruột thịt, họ hàng như Đức Ma-ri-a là mẹ (mêtêr) Đức Giê-su (Mt 1,18); Mác-ta là chị (adelphê) La-da-rô (Ga 11,1); An-rê là anh (adelphos) Phê-rô (Mc 1,16). Đặc điểm tương quan này là bền vững, không thể xoá bỏ. Trong xã hội, người ta có thể nhận nhau làm “cha–mẹ”, “anh/em – chị/em” tinh thần, nghĩa là tự nguyện bước vào một tương quan đặc biệt, bền vững và thân thiết như ruột thịt.
Đức Giê-su áp dụng điều này cho những ai lắng nghe và tuân giữ lời Người. Sau khi Phục Sinh, Đức Giê-su đã gọi các môn đệ là “anh em” (adelphoi) của Người. Người bảo Ma-ri-a Mác-đa-la đi nói với các môn đệ ở Ga 20,17bc: “Hãy đi đến với anh em (tous adelphous) của Thầy và nói với họ ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em.’”
Ước mong độc giả mọi nơi mọi thời, yêu mến, học hỏi và sống lời Đức Giê-su để đón nhận ân huệ làm “mẹ” (mêtêr), “anh/em” (adelphos), “chị/em” (adelphê) của Người, nghĩa là bước vào tương quan thân tình và bền vững như tương quan ruột thịt, họ hàng./.
22/01/2024. Giu-se Lê Minh Thông, OP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét