20/04/2020

Gio-an không là và là Ê-li-a, mâu thuẫn hay bổ sung? (Ga 1,21; Mt 11,14)



Bài viết tiếng Pháp:

Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 20 tháng 04 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Ngôn sứ Ê-li-a trong Cựu Ước
II. Đức Giê-su, Gio-an, Ê-li-a trong Tin Mừng Nhất Lãm
    1. Gio-an và ngôn sứ Ê-li-a
    2. Đức Giê-su và ngôn sứ Ê-li-a
III. Đức Giê-su, ngôn sứ, Gio-an trong Tin Mừng thứ tư
    1. Đức Giê-su và tước hiệu ngôn sứ
    2. Gio-an không phải là Ê-li-a (1,21)
    3. Gio-an là ánh sáng của ngọn đèn (5,35)
Kết luận



Dẫn nhập

Trong Tin Mừng thứ tư, tên gọi “Ê-li-a” chỉ xuất hiện hai lần (1,21.25) trong bối cảnh Gio-an (Tẩy Giả) làm chứng trước những người được gửi đến từ Giê-ru-sa-lem là các tư tế và các Lê-vi. Họ hỏi Gio-an: “Ông là Ê-li-a phải không?”, ông trả lời: “Không phải tôi” (1,21a). Vậy tại sao ở Mt 11,14; 17,13, Gio-an lại được đồng hoá với ngôn sứ Ê-li-a? Vậy hai Tin Mừng này mâu thuẫn hay bổ túc nhau? Bài viết tìm câu trả lời qua ba mục: (I) ngôn sứ Ê-li-a trong Cựu Ước; (II) Đức Giê-su, Gio-an, Ê-li-a trong Tin Mừng Nhất Lãm; (III) Đức Giê-su, ngôn sứ, Gio-an trong Tin Mừng thứ tư.

I. Ngôn sứ Ê-li-a trong Cựu Ước

Có hai nơi trong Cựu Ước nói về ngôn sứ Ê-li-a: (1) sự ra đi lạ lùng của Ê-li-a (2V 2,9-12), và (2) lời ngôn sứ Ma-la-khi về Ê-li-a sẽ trở lại (Ml 3,23-24).

(1) Trong Cựu Ước, ngôn sứ Ê-li-a không chết vào cuối đời nhưng được đưa lên trời cách lạ lùng. Sách Các Vua quyển thứ hai kể chuyện hai ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa ở 2V 2,9-12: “9 Ông Ê-li-a nói với ông Ê-li-sa: ‘Anh cứ xin đi: thầy có thể làm gì cho anh trước khi thầy được đem đi, rời xa anh?’ Ông Ê-li-sa nói: ‘Xin cho con được hai phần thần khí của thầy!’ 10 Ông Ê-li-a đáp: ‘Anh xin một điều khó đấy! Nếu anh thấy thầy khi thầy được đem đi, rời xa anh, thì sẽ được như thế; bằng không, thì không được.’ 11 Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc. 12 Thấy thế, ông Ê-li-sa kêu lên: ‘Cha ơi! Cha ơi! Hỡi chiến xa và chiến mã của Ít-ra-en!’ Rồi ông không thấy thầy mình nữa. Ông túm lấy áo mình và xé ra làm hai mảnh.” (Trích dẫn Tin Mừng Nhất Lãm và Cựu Ước lấy trong NPD/CGKPV, Kinh Thánh, ấn bản 2011).

(2) Ngôn sứ Ma-la-khi cho biết Ê-li-a sẽ trở lại. Lời ĐỨC CHÚA phán ở Ml 3,23-24: “23 Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. 24 Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt.” Truyền thống Ki-tô giáo nhìn nhận lời loan báo này nên trọn nơi nhân vật Gio-an Tẩy Giả (Lc 1,13-17).

II. Đức Giê-su, Gio-an, Ê-li-a trong Tin Mừng Nhất Lãm

Tin Mừng Nhất Lãm vừa đồng hoá Gio-an với Ê-li-a (Mt 11,13-14; 17,13), vừa  đồng hoá Đức Giê-su với Ê-li-a (Mc 8,27-29 // Mt 16,13-16 // Lc 9,18-20). Phần này trình bày hai điểm: (1) Gio-an và ngôn sứ Ê-li-a; (2) Đức Giê-su và ngôn sứ Ê-li-a.

    1. Gio-an và ngôn sứ Ê-li-a

Phần này trích dẫn sự đồng hoá giữa Gio-an và ngôn sứ Ê-li-a trong các Tin Mừng: (1) Mát-thêu, (2) Mác-cô, (3) Lu-ca.

(1) Sự đồng hoá giữa Gio-an và Ê-li-a tìm thấy trong Tin Mừng Mát-thêu ch. 11. Đức Giê-su nói với đám đông về Gio-an ở Mt 11,13-14: “13 Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. 14 Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến.” Sau trình thuật Đức Giê-su biến hình trên núi (Mt 17,1-8), Gio-an được đồng hoá với Ê-li-a. Thật vậy, sau biến cố Mô-sê và Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su, khi Thầy trò xuống núi, các môn đệ hỏi Người ở Mt 17,10: “Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước?” Đức Giê-su trả lời ở Mt 17,11-12: “11 Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. 12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” Người thuật chuyện giải thích ở Mt 17,13: “Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.”

(2) Trong Tin Mừng Mác-cô, sau trình thuật Đức Giê-su biến hình, có trao đổi giữa Đức Giê-su và các môn đệ như trong Mát-thêu nhưng lại không có lời giải thích của người thuật chuyện như ở Mt 17,13. Theo Mác-cô, khi xuống núi, các môn đệ hỏi Đức Giê-su ở Mc 9,11: “Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước?” Người trả lời họ ở Mc 9,12-13: “12 Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê? 13 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: Ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông.” Câu chuyện kết thúc ở đây. Vậy Đức Giê-su mặc nhiên đồng hoá Gio-an Tẩy Giả với Ê-li-a và nói đến thân phận của chính Người qua nhân vật bí ẩn “Con Người” (Mc 9,12). Tin Mừng Lu-ca tường thuật biến cố Đức Giê-su biến hình (Lc 9,28-36), nhưng không có trao đổi giữa Đức Giê-su và các môn đệ khi xuống núi.

(3) Truyền thống Tin Mừng Lu-ca nối kết lời tuyên sấm của ngôn sứ Ma-la-khi (Ml 3,23-24) trong biến cố truyền tin cho ông Da-ca-ri-a (Lc 1,5-23). Thiên sứ nói với ông Da-ca-ri-a trong Cung Thánh Đền Thờ ở Lc 1,13-17: “13 Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: Bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. 14 Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. 15 Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. 16 Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. 17 Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.”

Lc 1,17a nói đến “thần khí và quyền năng của Ê-li-a” mà ngôn sứ Ê-li-sa đã xin ở 2V 2,9b: “Xin cho con được hai phần thần khí của thầy!” Hơn nữa, Lc 1,17b gợi về Ml 3,24b: “Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu.” Vậy Gio-an đã thực hiện vai trò của Ê-li-a. Liên hệ giữa Gio-an và Ê-li-a được loan báo ngay trong biến cố truyền tin cho ông Da-ca-ri-a cho thấy truyền thống Ki-tô giáo đồng hoá vai trò tiền hô của Gio-an với việc Ê-li-a trở lại (Ml 3,23-24).

Câu các môn đệ hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước?” (Mc 9,11; Mt 17,10) cho thấy truyền thống Do Thái giáo dựa trên lời tuyên sấm của Ma-la-khi. Đức Giê-su xác nhận điều này khi nói với các môn đệ: “Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự” (Mc 9,12a; Mt 17,11). Đối với Đức Giê-su, giới lãnh đạo đã không nhận ra sự xuất hiện của Gio-an là chính Ê-li-a trở lại. Người nói: “Nhưng Thầy nói cho anh em biết: Ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông” (Mc 9,13 // Mt 17,11). Đức Giê-su đồng hoá Gio-an với Ê-li-a nhằm đề cao vai trò dọn đường cho Đấng Mê-si-a. Gio-an làm trọn lời loan báo của ngôn sứ Ma-la-khi nên Gio-an là Ê-li-a.

    2. Đức Giê-su và ngôn sứ Ê-li-a

Trong Tin Mừng Nhất Lãm, dân chúng đồng hoá Đức Giê-su với ngôn sứ Ê-li-a. Người thuật chuyện cho biết điều này trong cả ba Tin Mừng (Mc 8,27-29 // Mt 16,13-16 // Lc 9,18-20) được trích dẫn sau đây:

Mc 8,27-29: “27 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: ‘Người ta nói Thầy là ai?’ 28 Các ông đáp: ‘Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.’ 29 Người lại hỏi các ông: ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ Ông Phê-rô trả lời: ‘Thầy là Đấng Ki-tô.’”

Mt 16,13-16: “13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: ‘Người ta nói Con Người là ai?’ 14 Các ông thưa: ‘Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.’ 15 Đức Giê-su lại hỏi: ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: ‘Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.’”  

Lc 9,18-20: “18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: ‘Dân chúng nói Thầy là ai?’ 19 Các ông thưa: ‘Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.’ 20 Người lại hỏi: ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ Ông Phê-rô thưa: ‘Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.’”

Trong Nhất Lãm, Tin Mừng Mác-cô và Lu-ca thuật lại câu chuyện về tiểu vương Hê-rô-đê (Mc 6,14-16; Lc 9,7-9). Khi Hê-rô-đê nghe biết hoạt động của Đức Giê-su và các môn đệ (rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành người đau yếu), người thuật chuyện kể ở Lc 7-9: “7 Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: ‘Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.’ 8 Kẻ khác nói: ‘Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!’ Kẻ khác nữa lại nói: ‘Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.’ 9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói: ‘Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?’ Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.”

Các trích dẫn trên đây cho thấy dân chúng cho rằng Đức Giê-su là Gio-an Tẩy Giả (Mc 8,28a; Mt 16,14a; Lc 9,7b.19a), là Ê-li-a (Mc 8,28b; Mt 16,14b; Lc 9,8a.19b), là Giê-rê-mi-a (Mt 16,14c), hay là một trong các ngôn sứ (Mc 8,28c; Mt 16,14d; Lc 9,8b.19c). Những đồng hoá trên không chính xác. Tuy nhiên dư luận cho rằng Đức Giê-su là Gio-an Tẩy Giả cho thấy Gio-an có ảnh hưởng rộng trong dân thời đó. Ở Lc 9,7 người ta cho rằng Đức Giê-su chính là Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy. Gio-an được biết đến như là một ngôn sứ và Đức Giê-su xác nhận Gio-an là ngôn sứ và “còn hơn cả ngôn sứ” (Mt 11,9).

Si-môn Phê-rô có câu trả lời đúng về Đức Giê-su. Mt và Lc làm rõ tước hiệu Ki-tô: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa” (Lc 9,20), còn Mc không giải thích gì thêm sau tước hiệu: “Thầy là Đấng Ki-tô” (Mc 8,29). Phê-rô nói đúng nhưng chưa hiểu đúng.  Tin Mừng Mác-cô cho biết điều này ở Mc 8,31-33: “31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. 32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. 33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: ‘Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.’” Như thế nói đúng về Đức Giê-su vẫn chưa đủ, điều quan trọng là hiểu đúng. Thực ra, vào thời Đức Giê-su, có nhiều xu hướng chính trị và tôn giáo khác nhau đằng sau các tước hiệu ngôn sứ và Ki-tô (Mê-si-a).

III. Đức Giê-su, ngôn sứ, Gio-an trong Tin Mừng thứ tư

Tin Mừng thứ tư trình bày thế nào về Gio-an và về tước hiệu ngôn sứ dành cho Đức Giê-su? Đề tài này được tìm hiểu qua ba điểm: (1) Đức Giê-su và tước hiệu ngôn sứ; (2) Gio-an không phải là Ê-li-a; (3) Gio-an là ánh sáng của ngọn đèn.

    1. Đức Giê-su và tước hiệu ngôn sứ

Xu hướng đồng hoá Đức Giê-su với một trong các ngôn sứ phù hợp với lòng mong đợi của dân Ít-ra-en về vị ngôn sứ mà Đức Chúa sẽ ban cho dân. Mô-sê nói với dân Ít-ra-en ở Đnl 18,15: “Từ giữa anh (em), trong số các anh em của anh (em), ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh (em); anh (em) hãy nghe vị ấy.” Lời này được Mô-sê xác nhận là Đức Chúa đã nói với ông ở Đnl 18,17-18: “17 Bấy giờ ĐỨC CHÚA phán với tôi: ‘Chúng nói phải. 18 Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.’”

Trong Tin Mừng thứ tư, sau dấu lạ bánh và cá hoá nhiều (Ga 6,1-13), người thuật chuyện kể ở Ga 6,14-15: “14 Khi thấy dấu lạ Người (Đức Giê-su) làm, người ta nói: ‘Ông này thực sự là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian.’ 15 Đức Giê-su biết họ sắp đến và bắt lấy Người để tôn làm vua. Một lần nữa, Người đi lên núi một mình.” (Xem Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ). Ở đây vị ngôn sứ (6,14) đi đôi với tôn làm Vua (6,15). Đám đông gán cho Đức Giê-su tước hiệu quan trọng: “Vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian”, gợi về lời hứa trong sách Đệ Nhị Luật trích dẫn trên đây, nhưng họ chưa thực sự biết Đức Giê-su là ai. Họ đã hiểu lầm về Người nên Người lánh đi lên núi một mình. Đức Giê-su là Vua nhưng không theo kiểu như dân chúng nghĩ. Xem bài viết về Vương Quyền: “Ga 18,28–19,16a. Sự thật về những kẻ tố cáo, về Phi-la-tô, về Đức Giê-su.”

    2. Gio-an không phải là Ê-li-a (1,21)

Gio-an khẳng định ông không phải là ngôn sứ Ê-li-a trong bối cảnh ông làm chứng trước những người được gửi đến từ Giê-ru-sa-lem. Người thuật chuyện kể ở 1,19-21: “19 Và đây là lời chứng của Gio-an, khi những người Do Thái từ Giê-ru-sa-lem cử các tư tế và các Lê-vi đến [với ông ấy] để họ hỏi ông ấy: “Ông là ai?” 20 Ông ấy tuyên xưng chứ không chối, Ông ấy tuyên xưng rằng: “Chính tôi không phải là Đấng Ki-tô.” 21 Họ hỏi ông ấy: “Vậy thì sao? Ông là Ê-li-a phải không?” Ông ấy nói: “Không phải tôi.” “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông ấy đáp: “Không.” Gio-an phủ nhận những danh hiệu trên để chuẩn bị giới thiệu Đấng quyền năng sẽ đến sau ông, Đấng mà ông tự nhận là “không xứng đáng cởi quai dép của Người” (1,27b). Gio-an không là Đấng Ki-tô, không là vị ngôn sứ vì những tước hiệu này dành cho Đức Giê-su. Thật vậy, trong Tin Mừng, tước hiệu “Ki-tô” (Mê-si-a), xuất hiện 15 lần: 1,17.41; 4,25.29; 7,26.27.31.41.42; 9,22; 10,24; 11,27; 12,34; 17,3; 20,31; và tước hiệu “ngôn sứ”, 6 lần: 4,19; 4,44; 6,14; 7,40.52; 9,17, để nói về Đức Giê-su. Xem bài viết “Gio-an và Đức Giê-su (Ga 1,6-8.19-28)”; “Lời chứng của Gio-an (Ga 1,6-8.19-34; 3,31-36; 5,33). Trong Tin Mừng thứ tư, Gio-an không là Ê-li-a, nhưng Đức Giê-su đồng hoá ông với ánh sáng (5,35).

    3. Gio-an là ánh sáng của ngọn đèn (5,35)

Tin Mừng Gio-an đặt song song giữa (1) “Lời” (Logos) là ánh sáng (1,9) và Đức Giê-su là ánh sáng (8,12; 9,5; 12,46); (2) Đức Giê-su gọi Gio-an là ánh sáng (5,35).

(1) Tác giả lời tựa Tin Mừng viết ở 1,9: “Người (Lời) là ánh sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người, đến trong thế gian.” Vai trò của Gio-an được mô tả ở 1,6-8: “6 Có một người được sai đến từ Thiên Chúa, tên ông là Gio-an. 7 Ông ấy đến làm chứng. Ông làm chứng về ánh sáng, để mọi người tin nhờ ông ấy. 8 Ông ấy không phải là ánh sáng, nhưng làm chứng về ánh sáng.” Vậy Gio-an “không phải là ánh sáng”; bởi vì ánh sáng là “Lời đã trở thành người phàm” (1,14a). Ba lần trong Tin Mừng, Đức Giê-su tuyên bố Người là ánh sáng (8,12; 9,5; 12,46). Người nói với những người Pha-ri-sêu trong bối cảnh tranh luận ở 8,12: “Chính Tôi là ánh sáng của thế gian.” Trong ch. 9, Người nói với các môn đệ ở 9,5: “Bao lâu Thầy còn ở trong thế gian, Thầy là ánh sáng của thế gian.” Cuối sứ vụ Người tuyên bố ở 12,46: “Tôi là ánh sáng đến trong thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi thì không ở lại trong bóng tối.” Đức Giê-su là ánh sáng của thế gian thì Gio-an là ánh sáng của ngọn đèn (5,35).

(2) Trong bối cảnh những người Do Thái đang bách hại Đức Giê-su và đang tìm cách giết Người (5,18), Đức Giê-su nói với họ bằng một diễn từ độc thoại dài (5,19-47). Trong đó có đoạn văn về các lời chứng (5,30-40). Đức Giê-su nói với những người Do Thái về Gio-an ở 5,33-35: “33 Chính các ông đã cử người đến với Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. 34 Phần Tôi, Tôi không nhận lời chứng do người phàm, nhưng Tôi nói những điều này để chính các ông được cứu. 35 Ông ấy là ngọn đèn được thắp lên và toả sáng, chính các ông đã muốn hoan hỷ một thời gian trong ánh sáng của ông ấy.”

Đức Giê-su dùng hình ảnh “ngọn đèn được thắp lên và toả sáng” để nói về Gio-an (5,35a). Động từ “phainô” có nghĩa “toả sáng”, “chiếu sáng” chỉ xuất hiện hai lần trong Tin Mừng (1,5; 5,33). Lần thứ nhất nói về “Lời” (Logos) là “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không lấn át được ánh sáng” (1,5); lần thứ hai nói về Gio-an (5,35a). Trong câu 5,35b: “Chính các ông đã muốn hoan hỷ một thời gian trong ánh sáng của ông ấy”, động từ “hoan hỷ” (agalliaô) diễn tả sự kính trọng và sự đóng góp quý báu của Gio-an cho dân Ít-ra-en. Còn về danh từ “phôs” (ánh sáng), áp dụng cho Gio-an trong cụm từ “trong ánh sáng của ông ấy (en tôi phôti autou)” (5,35b), Đức Giê-su dùng danh từ từ “phôs” để tuyên bố Người là ánh sáng của thế gian (8,12; 9,5; 12,46). Vậy Đức Giê-su đề cao vai trò của Gio-an bằng cách dùng biểu tượng “ánh sáng” (phôs) để nói về sứ vụ của ông. Gio-an là “ánh sáng” của ngọn đèn để làm chứng cho ánh sáng mặt trời, ánh sáng đem lại sự sống cho loài người là Đức Giê-su. Sự đồng hoá giữa Gio-an và ánh sáng chỉ có trong Tin Mừng thứ tư, đề tài này không có trong Tin Mừng Nhất Lãm. Qua những phân tích trên, phần kết luận cho phép trả lời câu hỏi trong tựa đề: Mâu thuẫn hay bổ sung giữa Tin Mừng Gio-an và Nhất Lãm về tương quan giữa Gio-an và ngôn sứ Ê-li-a?

Kết luận

Gio-an và ngôn sứ Ê-li-a là hai nhân vật khác nhau. Nhưng truyền thống Tin Mừng Nhất Lãm đồng hoá Gio-an với Ê-li-a theo nghĩa Gio-an thực hiện vai trò của Ê-li-a. Gio-an đầy thần khí và quyền năng của Ê-li-a (Lc 1,17). Nên ông làm trọn lời ngôn sứ Ma-la-khi về Ê-li-a lại đến (Ml 3,23-24). Đức Giê-su đồng hoá Gio-an với Ê-li-a ở Mt 11,13-14; 17,13.

Truyền thống Tin Mừng thứ tư xây dựng nhân vật Gio-an khác với Nhất Lãm. Trong bối cảnh vụ kiện giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Đức Giê-su và những kẻ chống đối, Gio-an khẳng định ông không phải là Đấng Ki-tô, không phải là Ê-li-a hay vị ngôn sứ (1,20-21) trước khi làm chứng về Đức Giê-su là Đấng Ki-tô và là vị ngôn sứ toàn dân đang mong đợi. Đức Giê-su đề cao Gio-an khi so sánh ông với “ngọn đèn được thắp lên và toả sáng” (5,35a). Đức Giê-su là ánh sáng mặt trời chiếu soi loài người, còn Gio-an là ánh sáng ngọn đèn toả sáng, làm hoan hỷ dân Ít-ra-en. Sứ vụ của ông là làm chứng cho ánh sáng, nghĩa là làm cho mọi người nhận biết ánh sáng đích thực là Đức Giê-su.

Gio-an trong Tin Mừng Nhất Lãm không tự cho mình là ngôn sứ Ê-li-a. Tương quan giữa Gio-an và ngôn sứ Ê-li-a liên quan đến sứ vụ Đức Giê-su được trình bày khác nhau, bởi vì Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng thứ tư triển khai những điểm thần học khác nhau về nhân vật Gio-an. Vì thế không có mâu thuẫn giữa Tin Mừng Mát-thêu (Mt 11,13-14; 17,13) và Tin Mừng thứ tư (Ga 1,21). Ngược lại sự khác biệt bổ sung lẫn nhau và giúp độc giả khám phá ra những nét thần học phong phú và độc đáo riêng của mỗi Tin Mừng./.


2 nhận xét:

  1. Tiểu Bôi21:27 4/1/14

    Bài viết rất hay. Nhưng Đức Giesu nói Gioan chính là Elia phải hiểu thế nào đây? Hiện thân của một lối sống hay là chính Elia đã trở lại trong một thân xác khác? Thanks

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Như đã viết trong phần kết luận: “Gio-an Tẩy Giả và ngôn sứ Ê-li-a là hai nhân vật khác nhau. Nhưng truyền thống Tin Mừng Nhất Lãm đã đồng hoá Gio-an Tẩy Giả với ngôn sứ Ê-li-a theo nghĩa tương tự (analogue).” Về mặt lịch sử Gio-an Tẩy Giả không phải là Ê-li-a, về mặt thần học, tuyền thống Ki-tô giáo cho rằng, sứ vụ của Gio-an Tẩy Giả làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Ma-la-khi về việc Ê-li-a lại đến, vì thế Đức Giê-su nói Gio-an Tẩy Giả đã đến rồi qua những gì Gio-an Tẩy Giả đã làm. Vấn đền ở đây là đồng hoá sứ vụ của Gio-an Tẩy Giả với sứ vụ của Ê-li-a chứng không phải là “hiện thân của một lối sống”, cũng không phải là “chính Elia đã trở lại trong một thân xác khác.”

      Xóa