24/02/2020

Tác giả đối thoại với độc giả (TM Mác-cô)



Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 24 tháng 02 năm 2020


Nội dung

Dẫn nhập
I. Tác giả giao tiếp với độc giả
    1. Giải thích
    2. Dịch nghĩa
II. Cách thức xây dựng trình thuật
    1. Xây dựng câu chuyện qua 3 hoặc 5 giai đoạn
    2. Xây dựng nhân vật
    3. Yếu tố thời gian
    4. Chèn vào chuyện đang kể (enchâssement)
        a) Một số trình thuật chèn vào câu chuyện đang kể
        b) Ý nghĩa lối hành văn chèn vào
Kết luận



Dẫn nhập

Bài viết trình bày vắn tắt cách thức tác giả đối thoại với độc giả qua câu chuyện trong Tin Mừng Mác-cô. Tác giả có thể nói “trực tiếp” với độc giả ngay trong câu chuyện bằng những lời giải thích hay dịch nghĩa các từ khó. Tác giả có thể nói “gián tiếp” với độc giả qua cách xây dựng trình thuật, xây dựng nhân vật và cách trình bày yếu tố thời gian... Đặc biệt trong Tin Mừng Mác-cô xuất hiện kiểu hành văn: chèn vào câu chuyện đang kể một câu chuyện khác. Những kỹ thuật hành văn này của tác giả nhằm giúp độc giả hiểu ý nghĩa câu chuyện, nghĩa là điều tác giả muốn nói với độc giả qua trình thuật. Tương quan “tác giả - độc giả” qua trung gian “bản văn” được được trình bày qua 2 mục: (I) tác giả giao tiếp với độc giả; (II) cách thức xây dựng câu chuyện.

I. Tác giả giao tiếp với độc giả

Khi kể chuyện, tác giả giao tiếp với độc giả bằng nhiều cách. Chẳng hạn, kêu gọi độc giả phải chú ý để hiểu khi tác giả viết: “Các người hãy nghe...” (Mc 4,3); “Ai có tai để nghe thì hãy nghe” (Mc 4,9), (xem 7,14; 13,14). Là người viết câu chuyện, tác giả biết mọi sự. Thật vậy, tác giả có thể kể câu chuyện khi chỉ có một mình Đức Giê-su, như khi Người hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-ni (Mc 14,32-42). Tác giả biết ý định của những kẻ chống đối Đức Giê-su khi họ không lên tiếng. Tác giả đọc được ý định của những người Pha-ri-sêu khi kể: “Họ chăm chú nhìn Người [Đức Giê-su], xem Người có chữa lành anh ta ngày sa-bát không để tố cáo Người” (Mc 3,2). Như thế, để hiểu ý nghĩa bản văn, độc giả cần tin cậy tác giả. Hai cách tác giả thường dùng để đối thoại trực tiếp với độc giả là (1) giải thích (minh nhiên hay mặc nhiên) và (2) dịch nghĩa các từ khó.

    1. Giải thích

Để giúp độc giả hiểu câu chuyện, tác giả có thể dùng năm cách sau:

(1) Trích dẫn Kinh Thánh. Vd. Mc 1,1-3: “1 Khởi đầu tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô [Con Thiên Chúa], 2 như đã chép trong sách ngôn sứ I-sai-a: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt ngươi, người sẽ dọn con đường của ngươi. 3 Có tiếng người hô trong hoang mạc: Hãy dọn con đường của Chúa, hãy làm cho thẳng những lối đi của Người.”

(2) Giải thích bằng mở ngoặc đơn. Vd. Mc 5,25-27: “25 Có một phụ nữ bị băng huyết đã mười hai năm, 26 khổ sở nhiều vì chữa bệnh nơi nhiều thầy thuốc và đã tiêu tốn mọi thứ bà có, không được ích lợi gì mà còn dẫn đến tệ hơn nữa. 27 Nghe về Đức Giê-su, bà đến từ phía sau đám đông, chạm vào áo choàng của Người.” Câu 5,26 là phần giải thích thêm, vì mạch văn vẫn liên tục nếu bỏ qua câu 26. Tuy nhiên tác giả muốn cung cấp thêm những chi tiết về bệnh tình của bà ở 5,26 nhằm đề cao quyền năng của Đức Giê-su.

(3) Giải thích trong câu chuyện “vì, bởi vì…”. Vd. Mc 1,21-22: “21 Các ngài đi vào Ca-phác-na-um, và tức khắc, đi vào trong hội đường ngày sa-bát, Người giảng dạy. 22 Họ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy họ như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.” (xem 3,21; 5,8.42; 6,14; 6,20). Từ “vì” ở 1,22b nhằm giải thích cho độc giả biết lý do thính giả sửng sốt trước lời Đức Giê-su giảng dạy.

(4) Giải thích các tập tục xa lạ với độc giả. Vd. Mc 7,1-2: “1 Những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Người, họ đến từ Giê-ru-sa-lem. 2 Họ thấy một số môn đệ của Người ăn bánh khi tay ô uế, nghĩa là chưa rửa.” (Xem 15,42). Cụm từ “nghĩa là chưa rửa” (7,2b) giải thích từ “ô uế” (7,2a).   

(5) Tác giả giải thích bằng chính bản văn (mise en abyme) như chuyện xức dầu thơm ở Bê-tha-ni-a. Đức Giê-su nói với một số người dự tiệc ở Mc 14,8-9: “8 Điều cô ấy có, cô ấy đã làm, cô ấy đã xức dầu thơm thân thể Tôi trước để chuẩn bị mai táng. 9 A-men, Tôi nói cho các ông: Tin mừng được loan báo ở đâu trong khắp thế gian, thì điều cô ấy vừa làm sẽ được kể lại để nhớ tới cô ấy.” Ngay lúc độc giả đọc câu chuyện thì đang thực hiện lời Đức Giê-su : nghe kể lại câu chuyện để nhớ tới chị (14,9c), nhớ tới hành động của chị (14,3) và nhất là ý nghĩa hành động ấy (14,6-8). (Xem D. Marguerat; Y. Bourquin, Pour lire les récits bibliques, p. 131-137).

    2. Dịch nghĩa

Trong Tin Mừng Mác-cô, tác giả thường dịch nghĩa từ A-ram (3,17; 5,41; 7,11; 7,34; 14,36; 15,34). Khi liệt kê danh sách 12 Tông đồ, tác giả viết về Gia-cô-bê và Gio-an ở 3,17: “Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và Gio-an em của Gia-cô-bê – Người đặt tên cho họ là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi –.” Với cụm từ: “nghĩa là con của thiên lôi”, tác giả dịch nghĩa từ “Bô-a-nê-ghê”, vì cho rằng một số độc giả không biết nghĩa từ này.

Khi Đức Giê-su chữa lành người vừa điếc vừa ngọng ở 7,32-37, tác giả kể: “Ngước mắt lên trời, Người [Đức Giê-su] thở dài và nói với anh ta: ‘Ép-pha-tha’, nghĩa là ‘hãy mở ra.’” Tác giả dịch từ “Ép-pha-tha” là “hãy mở ra” để giúp độc giả hiểu lời Đức Giê-su nói. Những giải thích và dịch nghĩa một số từ xa lạ với ngôn ngữ của độc giả trên đây chỉ dành cho người đọc chứ không liên quan đến nhân vật trong câu chuyện.

II. Cách thức xây dựng trình thuật

Trong Kinh Thánh nói chung và Tin Mừng Mác-cô nói riêng, các trình thuật vừa được xây dựng theo những quy tắc chung, đồng thời có nét độc đáo riêng. Bốn đặc điểm đáng chú ý trong trình thuật Tin Mừng Mác-cô: (1) xây dựng câu chuyện qua 3 hoặc 5 giai đoạn; (2) cách xây dựng nhân vật; (3) yếu tố thời gian; (4) kỹ thuật hành văn chèn vào chuyện đang kể một chuyện khác.

    1. Xây dựng câu chuyện qua 3 hoặc 5 giai đoạn

Một trình thuật thường có ba giai đoạn chính: (I) vấn đề cần giải quyết; (II) thực hiện; (III) kết quả. Ví dụ Mc 1,32-34 xây dựng qua ba giai đoạn:

(I) Mc 1,32-33: “32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, họ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau và những người bị quỷ ám, 33 cả thành tụ họp lại trước cửa.” Câu này mô tả bối cảnh và nhu cầu chữa lành.

(II) Mc 1,34a: “Người chữa lành nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ.” Đức Giê-su thực hiện việc chữa lành và trừ quỷ.

(III) Mc 1,34b: “Người không cho quỷ nói, vì chúng biết Người.” Phần kết cho biết uy quyền của Đức Giê-su trên quỷ, đồng thời thoáng cho độc giả biết ai là người có thể nói về Đức Giê-su.

Ở cấp độ chi tiết hơn, một trình thuật đầy đủ được xây dựng qua năm giai đoạn: (I) tình trạng ban đầu (situation initiale); (II) vấn đề cần giải quyết (nouement); (III) thực hiện (action transformatrice); (IV) kết quả (dénouement); (V) tình trạng sau cùng (situation finale).

Ví dụ Mc 1,29-31 xây dựng với năm giai đoạn:

(I) Mc 1,29: “Ra khỏi hội đường, lập tức Người đến nhà Si-môn và An-rê, cùng với Gia-cô-bê và Gio-an.
(II) Mc 1,30: “Mẹ vợ của Si-môn nằm liệt vì cảm sốt, tức khắc họ nói với Người về bà.
(III) Mc 1,31a: “Đến gần, Người cầm lấy tay bà mà đỡ dậy;
(IV) Mc 1,31b: “cơn sốt đã rời khỏi bà
(V) Mc 1,31c: “và bà phục vụ họ.

Trong từng đoạn văn cụ thể, trình thuật có thể đủ cả năm giai đoạn hay được rút gọn thành bốn hay ba giai đoạn.

    2. Xây dựng nhân vật

Có nhiều loại nhân vật trong câu chuyện: nhân vật chính (protagoniste); nhân vật phụ (ficelle, figurant); nhân vật đơn giản (personnage plat), (x. Mc 2,23-28); nhân vật phức tạp (personnage rond),( x. Mc 3,1-6). Giữa các nhân vật có tương tác với nhau. Chẳng hạn, các nhân vật trong câu chuyện anh mù Ba-ti-mê Mc 10,46-52 (xem D. Marguerat; Y. Bourquin, Pour lire les récits bibliques, p. 81) tương quan với nhau như sau:



    3. Yếu tố thời gian

Yếu tố thời gian trong trình thuật có thể là từ ngữ: (1) “ngày”, (2) “giờ”, (3) “ngay lập tức” hay diễn tả qua cách thức kể chuyện: (4) tốc độ kể chuyện, (5) thứ tự các tình tiết và (6) tầng số xuất hiện.

(1) “Ngày”.
Tin Mừng Mác-cô thường dùng yếu tố thời gian “ngày” để xây dựng câu chuyện. Từ “ngày” (hêmera) xuất hiện 27 lần trong Mác-cô: 1,9.13; 2,1.20a.20b; 4,27.35; 5,5; 6,21; 8,1.2.31; 9,2.31; 10,34; 13,17.19.20a.20b.24.32; 14,1.12.25.49.58; 15,29.

(2) “Giờ”.
Trong trình thuật khổ nạn, yếu tố thời gian là “giờ” (hôra). Từ này xuất hiện 12 lần trong Mác-cô (6,35a.35b; 11,11; 13,11.32; 14,35.37.41; 15,25.33a.33b.34) và tập trung vào trình thuật Thương Khó ch. 14–15.

(3) “Ngay lập tức”. 
Yếu tố thời gian diễn tả qua trạng từ “ngay lập tức” (euthus), xuất hiện 41 lần trong Mác-cô: 1,10.12.18.20.21.23.28.29.30.42.43; 2,8.12; 3,6; 4,5.15.16.17.29; 5,2.29.30.42a.42b; 6,25.27.45.50.54; 7,25; 8,10; 9,15.20.24; 10,52; 11,2.3; 14,43.45.72; 15,1. Kiểu nói “ngay lập tức” mời gọi độc giả lưu ý đến sự khẩn cấp về thời gian liên quan đến lựa chọn và quyết định của độc giả khi đọc Tin Mừng.

(4) Tốc độ kể chuyện.
Yếu tố thời gian bộc lộ qua tốc độ kể chuyện nhanh hay chậm. Trình thuật có thể bỏ qua một số chi tiết trong câu chuyện (ellipse) làm nội dung tiến triển nhanh chóng hoặc triển khai thêm các chi tiết làm câu chuyện kéo dài.

(5) Thứ tự các tình tiết.
Tác giả còn quyết định kể chi tiết nào trước, chi tiết nào sau. Chẳng hạn, trình thuật Mc 10,17-31 nói về đề tài của cải, nhưng phải đợi đến câu 22 mới biết đó là người giàu có. Ba kiểu hành văn liên quan đến thứ tự các tình tiết: (a) kể theo thứ tự thời gian (ordre chronologique); (b) kể lùi về quá khứ (anachronie analepse) qua công thức “ứng nghiệm lời đã viết”; (c) kể hướng về tương lai (anachronie prolepse), chẳng hạn Đức Giê-su báo trước Thương Khó – Phục Sinh là điều sẽ xảy ra trong tương lai.

Tình tiết trong loại: “kể lùi về quá khứ” (loại b) và “kể hướng về tương lai” (loại c), có thể ở trong (interne) hay ở ngoài (externe) bản văn. Chẳng hạn, trình thuật loan báo Phục Sinh (Mc 16,1-7) là lối “kể hướng về tương lai” hỗn hợp với “ngôi mộ trốnglà trong bản văn (interne) vì đã nói đến trong Tin Mừng Mác-cô, còn ý “đến Ga-li-lê trước các ông” là ngoài bản văn (externe) vì cuộc gặp gỡ này không được kể lại trong Tin Mừng Mác-cô.

(6) Tần số xuất hiện (la fréquence).
Sự kiện được nói đến một lần hay nhiều lần liên quan đến yếu tố thời gian. Các tình tiết có thể rơi vào một trong ba trường hợp sau:

a) Xảy ra x lần, kể x lần (récit singulatif). Chẳng hạn, báo trước Thương khó – Phục Sinh 3 lần được kể lại 3 lần (Mc 8,31; 9,31; 10,33-34).

b) Xảy ra 1 lần, kể x lần (récit répétitif). Ví dụ, chuyện Phao-lô ngã ngựa 1 lần, được kể lại 3 lần trong sách Công Vụ các Tông Đồ với nhiều chi tiết khác nhau (Cv 9,1-25; 22,1-21; 26,1-23).

c) Xảy ra x lần, kể 1 lần (récit itératif). Đây là những đoạn văn tóm kết (sommaire) hay chuyển tiếp giữa hai đoạn văn (transititon entre deux scènes). Chẳng hạn sau phần giảng dạy bằng dụ ngôn (Mc 4,1-32), tác giả tóm kết ở 4,33-34: “33 Với nhiều dụ ngôn tương tự, Người [Đức Giê-su] nói Lời cho họ theo như họ có thể nghe. 34 Người không nói với họ nếu không dùng dụ ngôn. Nhưng khi ở riêng, Người giải thích mọi điều cho các môn đệ của Người.” Nghĩa là Đức Giê-su còn giảng dạy bằng nhiều dụ ngôn khác không được kể trong Tin Mừng.

    4. Chèn vào chuyện đang kể (enchâssement)

Tin Mừng Mác-cô hay dùng kiểu hành văn chèn vào câu chuyện đang kể một câu chuyện khác. Vì thế cần nối kết ý nghĩa hai câu chuyện với nhau để hiểu. Ý nghĩa câu chuyện chèn vào soi sáng ý nghĩa câu chuyện đang kể, ngược lại câu chuyện đang kể giúp hiểu chuyện được chèn vào. Phần sau trình bày (a) một số trình thuật chèn vào câu chuyện trong Tin Mừng Mác-cô và (b) ý nghĩa của lối hành văn này.

        a) Một số trình thuật chèn vào câu chuyện đang kể

(1) Mc 3,20-35. Câu chuyện thân nhân Đức Giê-su tìm bắt Người vì nghĩ rằng Người mất trí ở 3,20-21, được tiếp tục ở 3,31-35, nói về ai là mẹ và anh em của Đức Giê-su. Đoạn văn  chèn vào hai đoạn văn trên là 3,22-30 gồm 2 trình thuật: “Xa-tan trừ xa tan(3,22-27) và Nói phạm thượng đến Thánh Thần” (3,28-30).

(2) Mc 4,1-34. Phần Đức Giê-su giảng dạy dân chúng bằng dụ ngôn trong Mc 4,1-34 mở đầu bằng “dụ ngôn gieo giống” (4,1-9) và kết thúc bằng “dụ ngôn đất tự sinh hoa trái” (4,26-29) và “dụ ngôn hạt cải” (4,30-34). Phần chèn vào là đoạn văn 4,10-25, thuật lại những gì Đức Giê-su nói riêng với các môn đệ.

(3) Mc 5,21-43. Trình thuật chữa lành con gái ông Gia-ia được kể trong hai đoạn văn: 5,21-24; 5,35-43. Phần chèn vào là trình thuật người đàn bà bị băng huyết (5,25-34).

(4) Mc 6,7-30. Trình thuật Đức Giê-su sai các Tông Đồ đi rao giảng (6,7-13) tiếp nối với trình thuật các Tông Đồ trở về tụ họp quanh Đức Giê-su và kể lại cho Người tất cả mọi việc họ đã làm và đã dạy (6,30). Phần chèn vào là câu chuyện về Hê-rô-đê (6,14-16) và Gio-an Tẩy Giả bị chém đầu (6,17-29).

(5) Mc 11,12-25. Trong đoạn văn này, trình thuật cây vả (11,12-14; 11,20-26) được kể song song với trình thuật về Đền Thờ (11,1-11; 11,15-19).

(6) Mc 14,1-11. Việc những kẻ chống đối âm mưu hại Đức Giê-su (14,1-2) tiếp nối trình thuật Giu-đa nộp Đức Giê-su (14,10-11). Phần chèn vào là trình thuật xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a (14,3-9).

        b) Ý nghĩa lối hành văn chèn vào

(1) Về ý nghĩa, hai câu chuyện được kể lồng vào nhau trong đoạn văn Mc 5,21-43 có cấu trúc A, B, A’:

A. 5,21-24: Đức Giê-su đi cứu con gái ông Gia-ia
      B. 5,25-34: Chữa người đàn bà bị băng huyết
A’. 5,35-43: Tiếp tục câu chuyện cứu con gái ông Gia-ia

Hai trình thuật lồng vào nhau trên đây có những điểm giống nhau thú vị. Người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm, thì con gái ông Gia-ia 12 tuổi. Cả hai đều là phái nữ; cả hai đều ở trong tình trạng hiểm nghèo và được bản văn nhấn mạnh (Mc 5,23 cho biết con gái ông Gia-ia gần chết; Mc 5,26 cho biết bệnh tình tệ hại của người đàn bà bị băng huyết).

Cả hai câu chuyện đều có yếu tố “công khai” (public) và “riêng tư” (privé) nhưng ngược nhau. Người đàn bà băng huyết đi từ chuyện “riêng tư” đến thú nhận “công khai” việc mình đã làm (5,30-33). Ngược lại, tại nhà ông Gia-ia, Đức Giê-su chuyển từ “công khai” giữa mọi người sang “riêng tư”, vì Người không cho phép ai đi theo Người, ngoại trừ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an (5,37).

Qua những điểm giống nhau, hai câu chuyện soi sáng cho nhau ra sao? Trong mạch văn, khi Đức Giê-su đang trên đường đến nhà ông Gia-ia thì người nhà đến nói với ông: “Con gái của ông chết rồi, làm phiền Thầy nữa làm gì?” (5,35). Đức Giê-su thoáng nghe lời đó thì nói với ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần ông tin” (5,36). Điều gì làm cho lời này đáng tin cậy? Câu chuyện người đàn bà bị băng huyết vừa được chữa lành cho thấy lời Đức Giê-su nói là lời đáng tin. Người mời gọi ông Gai-ia “tin” (5,36) vì ngay trước đó Người đã nói với người đàn bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (5,34). Lòng tin của người phụ nữ đã cứu chữa bà ấy. Cũng một nguyên tắc ấy, Đức Giê-su nói với ông Gia-ia là “chỉ cần tin” (5,36) thì con gái ông sẽ được cứu.

(2) Mc 11,12-25. Trình thuật cây vả (11,12-14; 11,20-26) được chèn vào trình thuật về Đền Thờ (11,1-11; 11,15-19) qua cấu trúc song song A, B, A’, B’. Trong đó A // A’ liên quan đến Đền Thờ, B // B’ liên quan đến cây vả:

A. 11,1-11:  Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem
      B. 11,12-14:  Cây vả không sinh trái
A’. 11,15-19:  Đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ
      B’. 11,20-26:  Cây vả khô héo. Lòng tin và cầu nguyện.

Cấu trúc trên cho thấy chuyện cây vả soi sáng cho trình thuật đuổi kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Nói cách khác, trình trạng Đền Thờ Giê-ru-sa-lem được ví như cây vả không sinh trái.

Tóm lại, kiểu hành văn chèn vào liên kết ý nghĩa hai câu chuyện với nhau. Độc giả cần tìm ra những điểm bổ túc và soi sáng lẫn nhau trong hai trình thuật để hiểu giáo huấn của Đức Giê-su cũng như sứ vụ và căn tính của Người.

Kết luận

Hiểu tác giả đang đối thoại với độc giả qua một số kỹ thuật hành văn như: giải thích minh nhiên hoặc mặc nhiên, dịch nghĩa các từ khó hiểu, cách thức xây dựng câu chuyện và cách thức kể chuyện, giúp độc giả hiểu sâu hơn ý nghĩa bản văn. Nhờ đó bản văn Tin Mừng trở thành lương thực nuôi dưỡng độc giả vì tìm thấy trong đó những điều thú vị và ý nghĩa./.



2 nhận xét:

  1. Nặc danh13:25 17/2/13

    Cám ơn cha Thông về bài viết này. Dù vắn tắt, nhưng cha đã giúp TH có cái nhìn tổng quát và đủ để hiểu về Mác-cô qua bản văn Tin mừng của ông.
    Mến chúc cha một năm mới an lành và theem thánh đức.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết chuyên môn và công phu
    Xin Chúa chúc lành cho cha và công việc của cha.

    Trả lờiXóa