17/06/2011

Mt 5,43-48: “Hãy yêu kẻ thù”, nhưng “kẻ thù” là ai và “yêu” như thế nào?



Nội dung

Dẫn nhập
1. Luật “yêu người thân cận và ghét kẻ thù” 
2. “Yêu” và “ghét” trong Tin Mừng Nhất Lãm 
3. “Kẻ thù” là ai?
a. “Kẻ thù” (ekhthros) có thể là người nhà
b. “Kẻ thù” (ekhthros) là quân thù, quân đối nghịch
c. “Kẻ thù” (ekhthros) là quỷ
4. “Yêu kẻ thù” là yêu ai?
a. Yêu thương kẻ chống lại niềm tin của mình
b. Yêu thương kẻ thù nghịch vì xung đột quyền lợi
5. “Yêu kẻ thù” là yêu như thế nào?
a. “Yêu kẻ thù” là yêu người người thân cận
b. “Yêu kẻ thù” là hoạ lại tình yêu của Cha trên trời 
c. “Yêu kẻ thù” là tin tình yêu sẽ chiến thắng hận thù
d. “Yêu kẻ thù” là cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình   
e. “Yêu kẻ thù” là hành động đức tin
Kết luận


Dẫn nhập

Có người tự hỏi: Làm thế nào có thể “yêu kẻ thù” là người đã gây ra tai hoạ cho mình và cho người khác? Hơn nữa, yêu thương những người ruột thịt của mình đã là khó, làm sao có thể “yêu kẻ thù” được? Điều này đúng khi đứng trên bình diện trần thế. Trong khi đó, lời dạy “yêu kẻ thù” trong Mt 5,44 được đặt trên bình diện lòng tin. “Yêu kẻ thù” vừa là lời dạy của Đức Giê-su, vừa là cách thể hiện mình là môn đệ, vừa là điều kiện để trở nên con cái của Cha trên trời, bằng cách hoạ lại tình thương của Người.

Có thể nói, Đức Giê-su không thể đòi buộc các môn đệ điều mà họ không có khả năng thực hiện. Ở đây sự “thực hiện” cần hiểu trong mạch văn. Chẳng hạn, đã là con người thì làm sao có thể hoàn thiện như Cha trên trời được? Tại sao Đức Giê-su lại nói: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Câu này muốn nói với các môn đệ điều gì? Điều quan trọng trong câu này là “TRỞ NÊN HOÀN THIỆN NHƯ…”, chứ không phải là “HOÀN THIỆN NHƯ…” Có thể ý của mạch văn là Đức Giê-su mở ra một con đường, một hướng đi, một cách sống để các môn đệ bước đi, tiến về phía Đức Giê-su đã mở ra. Dù biết rằng suốt cả đời mình vẫn không thực hiện được trọn vẹn lời mời gọi đó. Tuy vậy, người môn đệ vẫn bước đi vì đó là con đường dẫn đến sự sống đích thực.

Bài viết này sẽ đặt đề tài “yêu kẻ thù” trong bối cảnh Tin Mừng Mát-thêu để tìm hiểu ý nghĩa giáo huấn của Đức Giê-su qua các mục sau: (1) Luật “yêu người thân cận và ghét kẻ thù”, (2) “Yêu” và “ghét” trong Tin Mừng Nhất Lãm, (3) “Kẻ thù” là ai? (4) “Yêu kẻ thù” là yêu ai? (5) “Yêu kẻ thù” là yêu như thế nào?

1. Luật “yêu người thân cận và ghét kẻ thù” 

Bản văn Mt 5,43-48 (NPD/CGKPV): “Đức Giê-su nói với các môn đệ: ‘43 Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu người thân cận và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.’”  

Mt 5,43-48 là một phần của bài giảng trên núi trong Tin Mừng Mát-thêu, từ chương 5 đến chương 7. Nội dung Mt 5,43-48 nói lên điểm độc đáo trong giáo huấn của Đức Giê-su liên quan đến tình yêu. Người nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu người thân cận và hãy ghét kẻ thù” (5,43). Luật này có nguồn gốc ở đâu?

Sách Lê-vi dạy: “Yêu người thân cận (plêsion) như chính mình” (Lv 19,18), còn vế thứ hai: “Ghét kẻ thù” (Mt 5,43b) thì không thấy chỗ nào trong Kinh Thánh nói đến. Khi Đức Giê-su nối kết “yêu người thân cận” và “ghét kẻ thù” (Mt 5,43), có thể Người nhắc lại lời dạy truyền khẩu, chứ không được ghi trong Kinh Thánh. Trong tinh thần Cựu Ước, lời dạy trên có thể hiểu là “Hãy yêu người thân cận (plêsion) còn kẻ thù thì được miễn.”

Để tìm hiểu ý nghĩa lời Đức Giê-su dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44), cần bàn đến cách hiểu cặp từ “yêu” và “ghét” trong Tin Mừng Nhất Lãm, trước khi tìm hiểu xem “kẻ thù là ai” trong Tin Mừng Mát-thêu.

2. “Yêu” và “ghét” trong Tin Mừng Nhất Lãm 

Trong cách suy nghĩ của người Do Thái, cặp động từ “yêu – ghét” có thể hiểu theo nghĩa mạnh hay nghĩa giảm nhẹ. Tuỳ theo bối cảnh mạch văn, nghĩa mạnh của “yêu” là yêu thương, “ghét” là thù ghét. Theo nghĩa mạnh thì “yêu” và “ghét” đối lập với nhau. Nghĩa giảm nhẹ của cặp động từ “yêu – ghét” được hiểu: “ghét là yêu ít hơn” và ngược lại, “yêu ít hơn là ghét”. Ví dụ hai câu song song Mt 10,37 và Lc 14,26 sau đây cho thấy nghĩa giảm nhẹ của cặp từ “yêu – ghét” trong Tin Mừng Nhất Lãm:

Đức Giê-su nói với các môn đệ ở Mt 10,37: “Ai yêu (ho philôn) cha hay mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu (ho philôn) con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” Trong Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su nói: “Ai đến với tôi mà không ghét (misei) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Trong khi Mát-thêu dùng động từ “thương mến, yêu mến” (phileô) để so sánh “tình yêu gia đình” và “tình yêu dành cho Đức Giê-su” (yêu thương người thân hơn Đức Giê-su thì không xứng với Người) thì Lu-ca lại dùng động từ “ghét” (miseô) để so sánh tương quan giữa “người môn đệ với Đức Giê-su” và “người môn đệ với gia đình mình” (làm môn đệ thì phải “ghét” người thân).

Song song giữa Mt 10,37 // Lc 14,26 cho phép hiểu động từ “ghét” (miseô) ở Lc 14,26 theo nghĩa giảm nhẹ. “Ghét” nghĩa là “thương ít hơn”. Tình thương mà Đức Giê-su so sánh ở đây được hiểu theo nghĩa thần học. Trở thành môn đệ Đức Giê-su và tin vào Người là lãnh nhận sự sống của Thiên Chúa ban tặng ở đời này và đời sau. Vì thế, lựa chọn làm môn đệ Đức Giê-su được đặt lên trên tình cảm gia đình. Xem phân tích đề tài “yêu – ghét” trong tập sách: Yêu và ghét trong Tin Mừng Gio-an, phần II, mục: “Yêu (Mt 10,37) - ghét (Lc 14,26)”, tr. 239-243 và mục: “Cách hiểu Sê-mít về ‘yêu – ghét’”, tr. 266-271.

Với hai nghĩa của cặp động từ “yêu – ghét” như trên, có thể hiểu lời Đức Giê-su ở Mt 5,43: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu người thân cận và hãy ghét kẻ thù” theo cả hai nghĩa của động từ “ghét”. Theo nghĩa mạnh “ghét” là “thù ghét” kẻ nghịch với mình đến mức muốn điều không tốt cho họ. Theo nghĩa nhẹ, có thể hiểu: Yêu thương người thân cận, còn kẻ thù thì không thương. Nghĩa là “Hãy yêu người thân cận còn kẻ thù thì được miễn” như đã nói ở trên.

Để “yêu kẻ thù” như Đức Giê-su dạy, cần trả lời câu hỏi: “Kẻ thù là ai?” Theo nghĩa chữ, “kẻ thù” là kẻ đối nghịch, là kẻ muốn làm hại ta. Tuy nhiên, quan sát cách dùng từ “kẻ thù” (ekhthros) trong Tin Mừng Mát-thêu sẽ giúp xác định rõ hơn khuôn mặt của “kẻ thù”.

3. “Kẻ thù” là ai?

Trong đoạn văn Mt 5,43-48, từ “kẻ thù” (ekhthros) xuất hiện 2 lần (5,43.44). Tiếng Hy Lạp “ekhthros” là tính từ dùng như danh từ. Tính từ “ekhthros” có nghĩa là “ghét”, “thù nghịch”, nếu dùng như danh từ thì có nghĩa là “người ghét”, “kẻ thù nghịch”, “kẻ thù”. Trong Tin Mừng Mát-thêu, tính từ “kẻ thù” (ekhthros) xuất hiện 7 lần, với ba nghĩa khác nhau.

a. “Kẻ thù” (ekhthros) có thể là người nhà

Đức Giê-su dạy các môn đệ ở Mt 10,34-36: “34 Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. 35 Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. 36 Kẻ thù (ekhthroi) của mình chính là người nhà.” Từ “ekhthros” (kẻ thù) ở đây hiểu là người không tin vào Đức Giê-su, người chống lại các môn đệ, cho dù đó là người trong gia đình.

Lời Đức Giê-su ở Mt 10,34-36 xem ra nghịch với lời mời gọi sống yêu thương, vì Người đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo (10,34), Người đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha… (10,35). Cần đặt lời này trong bối cảnh mạch văn. Trong đoạn văn dài (Mt 10,17-39) Đức Giê-su báo trước những cuộc bách hại sẽ xảy ra. Người nói với các môn đệ: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ” (Mt 10,17).

Trong hoàn cảnh bị bách hại, người môn đệ được mời gọi can đảm làm chứng về Đức Giê-su. Đây là lúc niềm tin có thể là nguyên nhân gây chia rẽ và xung đột với người khác, ngay cả xung đột trong gia đình. Đức Giê-su nói: “21 Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét (miseô). Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,21-22). Lời Đức Giê-su nói: “Kẻ thù (ekhthroi) của mình chính là người nhà” (10,36) được đặt trong bối cảnh này. Như thế, theo Tin Mừng Mát-thêu, kẻ thù (ekhthros) có thể là người trong gia đình, những người quanh ta, trong trường hợp có sự xung đột về niềm tin.

b. “Kẻ thù” (ekhthros) là quân thù, quân đối nghịch

“Kẻ thù” (ekhthros) là quân thù, quân đối nghịch trong các cuộc chiến. Đức Giê-su trích lời vua Đa-vít trong Tv 110,1 ở Mt 22,44: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù (ekhthrous), Cha sẽ đặt dưới chân Con.”

“Kẻ thù” hay “địch thù” (ekhthros) trong câu này hiểu là những dân “thù nghịch” với dân Ít-ra-en. Từ “quân thù”, “thù nghịch” trong các cuộc chiến không hẳn là “thù ghét”, vấn đề là tranh chấp quyền lợi. Khi vua Đa-vít mở mang bờ cõi, đem quân đi đánh các dân lân cận, thì các dân ấy là “kẻ thù” của Ít-ra-en. Kẻ thù ở đây hiểu là kẻ đối nghịch với mình, kẻ không về phe mình. Như thế, bên này là “kẻ thù” của bên kia và ngược lại.

c. “Kẻ thù” (ekhthros) là quỷ

Trong dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13,36-43), Đức Giê-su kể: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất…” (Mt 13,24-25). Khi về nhà, các môn đệ xin Đức Giê-su giải thích dụ ngôn cỏ lùng. Người nói với họ: “37 Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù (ekhthros) đã gieo cỏ lùng là ma quỷ (diabolos)” (Mt 13,37-39a). Như thế, trong dụ ngôn cỏ lùng, hình ảnh “kẻ thù” (ekhthros) được dùng để chỉ “quỷ” (diabolos).

Tóm lại, Tin Mừng Mát-thêu dùng từ “kẻ thù” (ekhthros) với 3 nghĩa: 1) Kẻ thù có thể là người nhà, khi họ không tin vào Đức Giê-su và chống lại các môn đệ của Người. 2) Kẻ thù là những kẻ đối nghịch trong chiến tranh, không nhất thiết là “thù ghét” và hai phe là “kẻ thù” của nhau. 3) “Kẻ thù” là “quỷ” (diabolos).

4. “Yêu kẻ thù” là yêu ai?

Tin Mừng Mát-thêu dùng từ “kẻ thù” (ekhthros) để chỉ ba đối tượng như trên. Tuy nhiên, theo mạch văn, lời dạy của Đức Giê-su: “Hãy yêu kẻ thù” chỉ áp dụng cho con người. Nên “yêu kẻ thù” không có nghĩa là “yêu quỷ”. Vậy, “yêu kẻ thù” là yêu loại “kẻ thù” thứ nhất (có thể là người trong nhà) và loại “kẻ thù” thứ hai (địch thù).

a) Yêu thương những kẻ chống lại niềm tin của mình

Theo nghĩa thứ nhất, kẻ thù có thể là người nhà hay người chung quanh ta, họ xung đột với ta về lòng tin. Họ có thể ghét ta, khi ta tin vào Đức Giê-su. Đối với những người này, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ  không thù ghét họ, mà vẫn dành tình thương cho họ. Biết đâu, vì một lý do nào đó, họ đã hiểu sai, hiểu lầm về giáo huấn của Đức Giê-su.

b) Yêu thương những kẻ thù nghịch vì xung đột quyền lợi

Theo nghĩa thứ hai, kẻ thù có thể là những kẻ đối nghịch với ta về quyền lợi, đây là nguyên nhân các cuộc chiến tranh (hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng) và xung đột. Trong hoàn cảnh này, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ không “ghét họ”, vì làm như thế là góp phần tạo ra “kẻ thù”. Người môn đệ có quyền tự vệ chính đáng và đấu tranh cho sự công bằng, nhưng bằng con đường “yêu thương”. Đây là cách ứng xử của Đức Giê-su trong sứ vụ công khai của Người. Người thẳng thắn phê phán sự giả hình. Người không thoả hiệp với tội lỗi, nhưng yêu thương tội nhân. Người đến để kêu gọi những người tội lỗi từ bỏ con đường tội lỗi để được sống. Nhờ tình thương, sự tôn trọng và thẳng thắn đối thoại, người môn đệ có thể làm cho con người hoán cải để cư xử với nhau bằng tình thương và sống với nhau như là con cái của Cha trên trời.

Phân tích vắn tắt trên đây cho thấy Tin Mừng Mát-thêu cho phép xác định ai là “kẻ thù” (ekhthros). Đức Giê-su mời gọi các môn đệ dùng tình thương để cư xử với những kẻ nghịch với mình, dù đó là “kẻ thù” vì xung đột niềm tin hay “kẻ thù” vì xung đột quyền lợi. Khi đã xác định đối tượng “kẻ thù” để yêu thương, phần tiếp theo sẽ tìm hiểu cách thức yêu thương “kẻ thù”.

5. “Yêu kẻ thù” là yêu như thế nào?

Mỗi người có thể tìm ra cách thức riêng để sống điều Đức Giê-su dạy cho phù hợp với khả năng và cá tính của mình. Ở đây xin trình bày một vài ý tưởng để làm cho lời mời gọi “yêu kẻ thù” không phải là quá khó. Những định nghĩa về “yêu kẻ thù” có thể giúp sống lời dạy của Đức Giê-su. Có thể nói “yêu kẻ thù” là yêu thương người thân cận; là hoạ lại tình yêu của Cha trên trời; là xác tín tình yêu sẽ chiến thắng hận thù; là cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình; và trên hết, “yêu kẻ thù” là hành động đức tin.

a. “Yêu kẻ thù” là “yêu người người thân cận”

Bài viết “Ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh” đã cho thấy chiều kích mở rộng của điều răn “yêu thương người thân cận” trong Tân Ước. Theo truyền thống Cựu Ước, “yêu thương người thân cận” là yêu thương những người thuộc về dân Ít-ra-en, dân ngoại không phải là người thân cận của Ít-ra-en. Nhưng trong viễn cảnh giao ước mới, lời dạy của Đức Giê-su: “Hãy yêu kẻ thù” có thể hiểu trong sự mở rộng định nghĩa “người thân cận” (plêsion) của Cựu Ước. Thực vậy, Ki-tô giáo lấy lại “điều răn yêu thương người thân cận” trong Cựu Ước và mở rộng khái niệm “người thân cận” ra đến toàn thể nhân loại. Đối với người môn đệ Đức Giê-su, yêu thương người thân cận là yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc, tuổi tác, tôn giáo, kể cả kẻ thù và kẻ ngược đãi mình.

Giáo huấn của Đức Giê-su về “yêu kẻ thù” nằm trong viễn cảnh này. Vì kẻ thù là con người, nên họ cũng là “người thân cận” theo định nghĩa của Đức Giê-su (xem cách trả lời của Đức Giê-su về câu hỏi “Ai là người thân cận của tôi?” trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu (Lc 10,30-35) ở mục II của bài viết: Ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh).              

b. “Yêu kẻ thù” là hoạ lại tình yêu của Cha trên trời 

“Yêu kẻ thù” ở Mt 5,44 là tình yêu theo khuôn mẫu tình yêu của Cha trên trời, vì “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (5,45). Vì thế, “yêu kẻ thù” không phải là chạy theo kẻ thù để nói “tôi yêu anh yêu chị” mà là tôn trọng họ và tương quan với họ bằng lòng thương xót của Cha trên trời. Đức Giê-su mời gọi các môn đệ đối xử với kẻ thù, kẻ làm hại mình, bằng tấm lòng của Thiên Chúa. Nói cách khác, Thiên Chúa đối xử với những kẻ thù nghịch với Người thế nào, thì các môn đệ cũng được mời gọi đối xử với “kẻ thù” của mình như thế. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, Người không muốn người tội lỗi phải chết, phải hư mất. Người nói qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en như sau: “Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết. Vậy hãy trở lại và hãy sống” (Ed 18,32).

c. “Yêu kẻ thù” là tin tình yêu sẽ chiến thắng hận thù

Vì yêu thương con người mà Thiên Chúa muốn con người được sống. Khi dạy các môn đệ: “Hãy yêu kẻ thù”, Đức Giê-su muốn đề cao nguyên lý: Chỉ có yêu thương và tha thứ mới giải thoát con người khỏi hận thù, chỉ có yêu thương mới đem lại sự sống cho con người.

Chính Đức Giê-su đã thực hiện điều đó trên thập giá bằng cách cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Lời cầu nguyện này là khuôn mẫu của “yêu kẻ thù”. Đến lượt phó tế Tê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh, thánh nhân đã cầu nguyện cho những kẻ ném đá mình: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,60). Thái độ thẳng thắng và đầy lòng thương xót của Tê-pha-nô đối với những kẻ làm hại mình, như đã thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ (x. Cv 6–7), là “yêu kẻ thù” theo lời Đức Giê-su dạy.

d. “Yêu kẻ thù” là “cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình”   

Trong bối cảnh cộng đoàn các môn đệ bị bách hại, lời mời gọi của Đức Giê-su: “Yêu kẻ thù” và “cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (5,44) vừa nối kết chặt chẽ với nhau, vừa soi sáng cho nhau. Có thể nói, “yêu kẻ thù” là “cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” và ngược lại, “cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” là “yêu kẻ thù”.
     
Cụm từ “yêu kẻ thù” nối kết với “cầu nguyện cho  những kẻ ngược đãicho thấy lời dạy của Đức Giê-su đặt trong bối cảnh cộng đoàn đang bị ngược đãi, bị thù ghét. Cho dù sự ngược đãi đó đến từ trong gia đình hay từ bên ngoài, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ hãy quảng đại yêu thương để hoạ lại lòng thương xót của Cha trên trời.

e. “Yêu kẻ thù” là hành động đức tin 

Theo suy nghĩ bình thường, “yêu kẻ thù” là ngược với tình cảm tự nhiên của con người. Đức Giê-su mời gọi môn đệ của Người đi xa hơn lòng mến thông thường của “những người thu thuế” (5,46) và “những người ngoại” (5,47) để  trở nên con cái của Đấng yêu thương mọi người không loại trừ ai (5,45) và để trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (5,48).

Đức Giê-su so sánh người môn đệ với “người thu thế”, và “người ngoại”. “Người thu thuế” ở đây là người tội lỗi vào thời đó, họ là những người chưa tin vào Đức Giê-su. Còn “người ngoại” ám chỉ dân ngoại. So sánh như trên cho thấy cách yêu thương của người môn đệ Đức Giê-su là lời mời gọi thuộc lãnh vực đức tin. Cách yêu thương này trở thành dấu chỉ để phân biệt môn đệ Đức Giê-su với những người chưa tin.

Lời dạy “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” luôn là lời chất vấn người môn đệ trong cuộc sống hằng ngày. Có thể nói, “yêu kẻ thù” là một hành động đức tin, là sống lòng tin. Vì lời mời gọi trở nên hoàn thiện như Cha trên trời vượt ra ngoài khả năng và sức lực con người, người môn đệ chỉ có thể sống điều đó nhờ niềm tin.

Khi mà con người không thể đạt được sự hoàn thiện như Cha trên trời thì lời mời gọi của Đức Giê-su: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” trở thành mục đích và lý tưởng của người môn đệ. Suốt cả cuộc đời người môn đệ sẽ hướng về đó, sẽ đi theo hướng đó, nghĩa là đi theo con đường mà Đức Giê-su đã vạch ra, dù biết rằng mình không bao giờ thực hiện được sự hoàn thiện này cách trọn vẹn.

Hướng đi đã có, con đường đã sẵn, vấn đề là có dám lên đường, dám yêu thương, dám cậy trông và phó thác vào Cha trên trời hay không. Vấn đề là có dám tin rằng tình yêu sẽ chiến thắng hận thù hay không, cho dù có lúc sự dữ xem ra thắng thế, bóng tối lấn lướt ánh sáng, như lúc Đức Giê-su bị bắt và bị chết treo trên thập giá. Nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó.

Kết luận

Phần trên đã tìm hiểu lời dạy của Đức Giê-su: “Hãy yêu kẻ thù” trong Mt 5,44 bằng cách phân tích cặp từ “yêu - ghét”. Trong cách suy nghĩ của người Do Thái (văn hoá Sê-mít), cặp động từ này được hiểu theo nghĩa mạnh và nghĩa giảm nhẹ. Kế đến là tìm hiểu cách dùng từ “kẻ thù” (ekhthros) trong Tin Mừng Mát-thêu, để từ đó trả lời hai câu hỏi: “Yêu kẻ thù” là yêu ai? Và “yêu kẻ thù” là yêu như thế nào? Đây là một đề tài phức tạp vì liên quan đến tình cảm yêu và ghét của con người. Tuy nhiên, điều chắc chắn là Đức Giê-su mời gọi các môn đệ cư xử theo lòng thương xót của Cha trên trời. Người môn đệ đã được Cha yêu thương, hãy sống tình thương đó và làm nó lan toả đến mọi người.

“Yêu kẻ thù” luôn luôn là một thách đố của người môn đệ Đức Giê-su. Thiết nghĩ, để có thể bắt đầu “thực hiện” (LÀM) lời dạy “yêu kẻ thù”, người môn đệ có thể “KHÔNG LÀM” một số điều:

-   Không nuôi hận thù trong lòng mình.
-   Không để sự thù ghét hướng dẫn hành động của mình.
-   Không lên án “kẻ thù” hay “kẻ ngược đãi mình” vì biết đâu chính mình là nguyên nhân sâu xa của sự thù ghét.
-   Không tìm cách trả thù, vì khi trả được mối thù này, chính mình lại tạo ra mối thù khác.     

Không làm bốn điều trên đây là đã bước đầu sống lời Đức Giê-su dạy: “Yêu kẻ thù”. Khi “yêu thương kẻ thù” là dám tin tình yêu sẽ chiến thắng sự thù ghét. Trong thực tế cuộc sống, lòng mến và sự tha thứ là giải pháp tốt nhất để giải quyết hận thù và tranh chấp. Hơn nữa, lời Đức Giê-su dạy “yêu kẻ thù” không đặt trên bình diện trần thế mà đặt trên bình diện thần học và tâm linh: “Yêu kẻ thù” là một hành động biểu lộ đức tin. “Yêu kẻ thù” là cách xử sự của người môn đệ, là cách sống của con cái Cha trên trời. Chính Đức Giê-su đã chiến thắng sự thù ghét bằng tình yêu và Người mời gọi các môn đệ bước theo Người và sống như Người đã sống.

Dù khó khăn đến đâu đi nữa, lời dạy “yêu kẻ thù” của Đức Giê-su vẫn là đỉnh cao khát vọng của nhân loại: Mọi người biết sống yêu thương nhau và giải quyết các xung đột bằng con đường tôn trọng lẫn nhau, đối thoại với nhau để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho đôi bên. Cách giải quyết này dựa trên khuôn mẫu tình yêu của Cha trên trời dành cho “kẻ xấu cũng như người tốt”, “người công chính cũng như kẻ bất chính”. Đây không phải là thứ tình yêu dung túng sự dữ, mà là tình yêu nhằm mục đích đem lại sự sống và ơn cứu độ cho nhân loại./.

Ngày 17 tháng 06 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com

12 nhận xét:

  1. "yêu kẻ thù", một khẩu hiệu quá ngắn sẽ dễ bị xuyên tạc nếu không được hiệu rõ ràng và cặn kẽ. Bài chia sẻ trên đã trả lời cho vấn đề này. CHân thành cám on.
    Tiến Dức op.

    Trả lờiXóa
  2. "Yêu thương" và "Nên hoàn thiện như Cha" là điều "cầu được", "ước thấy" nhưng lại có vẻ chỉ ở trong mơ, có lẽ tại con chưa có lòng tin đủ lớn để lướt thắng mọi khoảng cách của tình Chúa, tình người?

    Trả lờiXóa
  3. Có thể dùng hình ảnh để nói rằng không có khoảng cách giữa “Tình Chúa” và “tình người”. Cả hai ở bên cạnh nhau, nâng đỡ nhau và soi sáng cho nhau. “Tình Chúa” thêm sức mạnh để sống “tình người”. “Tình người” giúp cảm nghiệm “tình Chúa”. Ở cấp độ cao hơn, “tình Chúa” và “tình người” ở trong nhau, nên một với nhau làm nên tình yêu đích thực.

    Kiểu nói “có đạo”, “có đức tin” không sinh động và thiết thực bằng kiểu nói: “sống đạo”, “sống đức tin”. Vấn đề không phải là “có” hay “không có”, cũng không phải là “có ít” hay “có nhiều” mà là cảm nghiệm và sống (theo khả năng của mỗi người) “tương quan tình yêu” với người đã yêu thương mình đến cùng (về mức độ) và đến tận cùng (về thời gian), x. Ga 13,1; 15,13. Trong lãnh vực “tương quan tình yêu” này, nhiều lúc người lớn phải học hỏi nơi trẻ em.

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn cha đã giải thích thật rõ ràng, dễ hiểu để lòng dặn lòng báM vào Chúa để xin cho mình được cảm nghiệm và sống tình yêu và "nên một" trong TÌNH YÊU.

    Cha ơi, xin giúp con hiểu thêm về câu nói này:
    (theo khả năng của mỗi người) là sao?
    Nếu như trường hợp hai người bất đồng quan điểm về cách nhìn, về lối sống,... mà tình yêu của họ không đủ lớn để đón nhận nhau nhưng vẫn phải sống chung với nhau suốt đời thì sao?

    Hoặc giả có trường hợp chỉ vì thấy "tự nhiên ghét", tự nhiên "không hợp", thấy chơi với mình chỉ làm mình bực mình, mình sinh ra thêm tội thì mình nghỉ chơi luôn,...
    Trong những trường hợp cụ thể mà ta gặp hàng ngày như thế, thì liệu có đáp số chung? Phải chăng tùy (theo khả năng mỗi người) là tin và chờ ở nơi Chúa biến đổi?

    Cha ơi, con gái rắc rối, làm phiền cha giải đáp thắc mắc giúp con với nhé.

    Hôm nay cùng là ngày Thế Giới mừng Ngày Của Cha, dù không là "cha của những đứa con ruột thịt" nhưng những người con tinh thần luôn cần có cha hướng dẫn. Con cầu chúc Cha luôn an mạnh, đầy ơn Chúa để tiếp tục làm tròn sứ mạng mà Chúa và Hội Dòng trao phó.

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh00:24 20/6/11

    Cám ơn cha thật nhiều bài: "Hãy yêu kẻ thù”, nhưng “kẻ thù” là ai và “yêu” như thế nào?"
    "Yêu ai yêu cả đường đi.
    Ghét ai ghét cả tông ty họ hàng." Khó chấp nhận, làm sao con người có thể yêu được kẻ thù! Trong cuộc sống hàng ngày, vợ chồng là người "đầu gối, má kế", họ sống với nhau, bên nhau đó, cho dù họ có yêu nhau mặn nồng tha thiết, nhưng vẫn còn có tiếng thở dài. Thưa cha, Thiên Chúa là Đấng tác tạo mọi sự tốt lành, vậy sự dữ từ đâu mà ra?

    Trả lờiXóa
  6. Kim Nhung thân mến, có thể hiểu “tương quan tình yêu theo khả năng mỗi người” qua hình ảnh: Một bà cụ già miền quê có thể sống tình yêu và lòng tin mạnh mẽ hơn một giáo sư Kinh Thánh. Một em bé học cấp I có thể sống tình yêu và lòng tin cách hồn nhiên và trong sáng hơn các anh chị đang học đại học. Như thế, mỗi người, theo khả năng của mình, theo “phong cách riêng” của mình, có thể bước vào tương quan lòng mến với nhau và với Thiên Chúa. Nhưng thực tế không đơn giản.

    Đã là con người thì không ai là một hòn đảo, nhưng khi sống chung lại nảy sinh nhiều vấn đề về tương quan. Làm thể nào có thể sống chung với nhau được? Thiết nghĩ, con người có thể vui sống với nhau nếu xây dựng được một KHOẢNG CÁCH THỂ LÝ và KHOẢNG CÁCH TÂM LINH phù hợp. Những khoảng cách này hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng: “xa” và “gần” về thể lý, “xa” và “gần” về tâm linh. Có thể “xa mà gần”, “gần mà xa”.

    “Xa” và “gần” tự nó không tốt, không xấu. Đây là những hình ảnh để giúp xây dựng tương quan. Có người ở rất xa, ở mãi bên kia quả địa cầu, nhưng lại rất gần. Có người ở bên cạnh ta nhưng lại ngàn trùng xa cách. Có người mười năm mới gặp một lần, nhưng lại rất gần, rất thân thương, rất vui. Có người một năm gặp mười lần nhưng vẫn “thấy ngượng”, thấy chưa trọn vẹn niềm vui. Có người mới gặp đã “thấy ghét” nhưng sống với nhau một thời gian lại thấy “không đến nỗi.” Có người mới gặp đã “thấy thương” nhưng sau một thời gian lại thấy “không hợp”…

    Vì thế, để có thể sống với nhau và bổ túc những thiếu sót của nhau, cần không ngừng điều chỉnh KHOẢNG CÁCH THỂ LÝ và KHOẢNG CÁCH TÂM LINH cho phù hợp. “Quá gần” sẽ làm người khác và làm chính mình cảm thấy bị xúc phạm. Từ đó, tương quan trở thành ngột ngạt, khó thở, xung khắc và có khi ghét nhau, không nói chuyện với nhau, không nhìn nhau. “Quá xa” sẽ trở thành người thiếu quan tâm, mạnh ai nấy sống, sống chết mặc bay…

    Nếu tạo được “khoảng cách hợp lý” trong tất cả các tương quan sẽ giúp mình tôn trọng người khác và sống thanh thản, vừa không quá gần để xâm phạm đời tư của nhau, vừa không quá xa để thành kẻ xa lạ. Khoảng cách thể lý và tâm linh phù hợp sẽ làm nẩy sinh lòng mến, vì mọi người thấy mình được tôn trọng, được đón nhận. Như thế, “sự khác biệt” (về tính tình, quan điểm, cách sống) sẽ trở thành “quà tặng quý giá” để bổ túc cho nhau. Hơn nữa, tương quan lòng mến hàm ẩn sự tự do và tự nguyện. Không thể bắt người khác thương mình, cũng không thể ép mình thương người khác. Lòng mến thực sự hàm ẩn sự tôn trọng nhau nhờ KHOẢNG CÁCH THỂ LÝ và KHOẢNG CÁCH TÂM LINH thích hợp cho từng người. Trong thực tế, con người không ngừng chuyển biến theo thời gian, nên việc “học để xây dựng tương quan” là việc làm suốt cả đời./.

    Trả lờiXóa
  7. Josepphin thân mến, đúng như thế, trong đời sống vợ chồng “Cho dù họ có yêu nhau mặn nồng tha thiết, nhưng vẫn còn có tiếng thở dài”. “Tiếng thở dài” ở đây có thể hiểu theo nghĩa tích cực. Thực vậy, tình yêu vợ chồng sẽ trở thành tẻ nhạt, nếu không có lúc giận nhau, chịu đựng nhau, hy sinh và đau khổ vì nhau. Nếu biết cách “thở dài”, nếu “tha thứ” được cho nhau sẽ làm cho tình yêu bền chặt và đằm thắm hơn.

    “Sự dữ từ đâu mà ra?” Đây là một câu hỏi lớn đã được đặt ra từ khi con người xuất hiện trên trái đất. Kinh Thánh đã trả lời câu hỏi này trong sách Sáng Thế chương 1 – 3. Sự dữ không do Thiên Chúa mà do con rắn là quỷ gây ra. Nó đã cám dỗ con người bất trung với Thiên Chúa, từ đó Ca-in giết A-ben, anh giết em. Con người có thể làm sự dữ, vì con người có tự do. Vì thế, khi gặp sự dữ đừng đổ cho Thiên Chúa.

    Thiên Chúa yêu thương con người và giúp con người vượt qua và chiến thắng sự dữ nhờ tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa. Đức Giê-su đến thế gian để cứu con người theo nguyên tắc Người đưa ra: “Những người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, nhưng những người đau ốm thì cần. Tôi không đến để kêu gọi những người công chính, nhưng kêu gọi những người tội lỗi” (Mc 2,17). Những ai càng đau khổ, càng chịu thiệt thòi, càng bất hạnh, càng tội lỗi, thì Đức Giê-su càng dành tình thương cho họ, Người nâng đỡ và ban sức mạnh để họ vượt qua khó khăn thử thách./.

    Trả lờiXóa
  8. Cha ơi, cám ơn cha đã tận tình hướng dẫn. Cha có cách diễn tả đầy hình ảnh ví von, con không hiểu không được.
    Cám ơn cha rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  9. Nặc danh11:23 20/6/11

    Cảm ơn cha rất nhiều đã trình bày về sự điều chỉnh "khoảng cách thể lý " và "khoảng cách tâm linh" rất chính xác và khôn ngoan.

    Xin được chia sẻ một chút xíu về ưu tư:"Nếu như trường hợp hai người bất đồng quan điểm về cách nhìn, về lối sống,... mà tình yêu của họ không đủ lớn để đón nhận nhau nhưng vẫn phải sống chung với nhau suốt đời thì sao?" vì đồng cảm được sự khó khăn và trăn trở của hoàn cảnh.Để có thể biến đổi những sự khác biệt này thành "quà tặng quý giá " bổ túc cho nhau cần có sự trưởng thành về nhận thức, lòng mong muốn xây dựng và nuôi dưỡng mối tương quan và có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình để "sống chung ...trọn đời". Lý thuyết thì rất hồng, rất hay nhưng thực tế không kém nghiệt ngã, phải có một tình thương yêu nhất định, đủ lớn và trên hết là lòng tin tưởng và phó thác vào ân sủng của Thiên Chúa để có thể chung sống với nhau được...

    Trả lờiXóa
  10. Cám ơn cha thật nhiều về lời giải thích sự dữ.
    Hôm nay có thì giờ, ghé thăm Blog của cha, thấy cha và nhiều người chia sẻ sôi nổi, vui vẻ. Con cũng phấn khởi, say sưa, mãi mê, quyên làm việc "bổn phận". Có lẽ bà xã đi làm về sẽ "có chuyện".
    Nói Zdậy, chứ không phải zdậy đâu, mà còn hơn zdậy nữa đó!
    Thực tế, sống là động, sống chung không tránh khỏi đụng chạm. Hơn nữa, hiểu cái gì, chứ muốn hiểu con người thì quá khó khăn, không hiểu nổi!
    "Dò sông dò biển dễ dò
    Mấy ai lấy thước mà đo lòng người."
    Đành rằng, con người có lòng tin là phải tin tưởng và phó thác vào ân sủng của Thiên Chúa; Nhưng Thiên Chúa cũng rất cần sự cộng tác của con người.
    Thiết tưởng rằng, đời sống vợ chồng, sau một thời gian chung sống, vợ chồng cũng phải bận bịu trong nhiều công việc làm ăn hàng ngày, vất vả lo lắng cho con cái..., họ ít quan tâm, săn sóc cho nhau như thủa ban đầu mới cưới, tình vợ chồng cũng có thể bị phai nhạt đi, cho dù hai thân xác sống kề nhau, nhưng lòng lại xa cách. Bỡi thế, đời sống vợ chồng là luôn luôn biết cùng tìm nhau, biết cùng nhau đối thoại, chuyện trò tâm sự, trao đổi để hiểu nhau, cảm thông nhau và mới có thể thương nhau nhiều hơn. Khi hai người cùng biết tìm nhau, thì tình yêu sẽ nẩy sinh, nghĩa vợ tình chồng lại thắm thiết, nồng nàn hơn, vì tình yêu ngự trị trong chính con tim của mỗi người. Thế nên, vợ chồng luôn luôn phải biết tìm kiếm nhau và cùng tìm nhau mãi mãi.

    Nếu “thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”. Nhưng làm sao để giữ tình nghĩa vợ chồng ấy được trọn vẹn? Người xưa cũng đã khuyên: ”Phu phụ tương kính như tân”.
    Thật vậy, tình nghĩa vợ chồng là một kiệt tác kiến trúc tuyệt diệu, mà hai người đã dầy công trong suốt qúa trình chung sống với nhau, họ đã phải đục đẽo, mài giũa, tỉa gọt, trau chuốt rất công phu... để hình thành nên. Họ phải nâng niu, chăm sóc, gìn giữ cẩn thận, thì kiệt tác kiến trúc đó càng được quý trọng, càng giá trị và được tồn tại vững bền lâu hơn. Do đó, dù vợ chồng có nghèo túng, nhưng họ vẫn sống vui tươi, hạnh phúc!
    "Râu tôm nấu với ruột bầu
    Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.”

    Trả lờiXóa
  11. Cám ơn những chia sẻ của quý "anh"

    Để có thể biến đổi những sự khác biệt này thành "quà tặng quý giá " bổ túc cho nhau cần có sự trưởng thành về nhận thức, lòng mong muốn xây dựng và nuôi dưỡng mối tương quan và có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình để "sống chung ...trọn đời".

    "Đời sống vợ chồng là luôn luôn biết cùng tìm nhau, biết cùng nhau đối thoại, chuyện trò tâm sự, trao đổi để hiểu nhau, cảm thông nhau và mới có thể thương nhau nhiều hơn... Vợ chồng luôn luôn phải biết tìm kiếm nhau và cùng tìm nhau mãi mãi."

    Đó là những điều lý tưởng!

    Trả lờiXóa